(QNO) - Chiều 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo luật lần này nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển kinh tế số.
Dự thảo luật hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo như một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tham gia thảo luận tại nghị trường, đại biểu Vương Quốc Thắng (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án luật. Bên cạnh đó, đại biểu tham gia góp ý cụ thể các nội dung dự thảo luật quy định.
Thứ nhất, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ví như đường cao tốc Bắc - Nam, là huyết mạch khơi thông mọi nguồn lực, kết nối các lĩnh vực nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới trong tăng trưởng và phát triển bứt phá kinh tế - xã hội. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu nhằm thể chế hóa kịp thời, triệt để các tinh thần của Nghị quyết 45, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Thứ hai, ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, dự thảo luật cần chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững; bảo đảm luật cũng chính là thông điệp truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có khát vọng, lý tưởng và đam mê trở thành nhà khoa học để xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.
Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới - động lực tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Thứ ba, dự thảo luật cũng cần có chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ưu tiên các hoạt động xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Ví dụ như: khuyến khích chuyển giao, công nghệ thu giữ, lưu trữ và đặc biệt là sử dụng các bon để giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ tư, nên xem xét bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đồng tài trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có quy định khuyến khích thu hút nguồn lực từ xã hội, nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng quỹ khoa học công nghệ, quỹ đầu tư/quỹ đầu tư mạo hiểm tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ theo quan điểm “toàn dân và toàn xã hội tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Hiện dự thảo luật mới đề cập đến quỹ khoa học và công nghệ quốc gia và địa phương.
Thứ năm, nên nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền tham gia nghiên cứu khoa học của đối tượng công chức bảo đảm nguyên tắc được nêu tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo luật và phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Thứ sáu, một số vấn đề cụ thể:
Về trách nhiệm phổ biến, lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Điều 10, cần bổ sung thêm quy định “các cơ quan thông tấn báo chí, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phổ biến, lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Khoản 4 Điều 41, cơ sở giáo dục đại học có chức năng nghiên cứu được cấp giấy chứng nhận “tổ chức khoa học công nghệ”, khoản 5 của điều này cho phép thành lập “tổ chức khoa học công nghệ” trực thuộc. Tuy nhiên, Điều 43 quy định “tổ chức khoa học công nghệ công lập” lại do cơ quan có thẩm quyền thành lập. Như vậy trường đại học công lập liệu có được thành lập tổ chức khoa học công nghệ như khoản 5, Điều 41 ở trên hay không?
Tại Điều 54 hiện chưa có quy định về quyền tham gia các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các cá nhân, tổ chức quốc tế ở nước ngoài. Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định quyền của cá nhân này tại Điều 54; đồng thời bổ sung quy định nghĩa vụ của cá nhân tại Điều 55 trong việc tham gia các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 2 của dự thảo về đối tượng áp dụng “ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
Về quy định hỗ trợ lãi suất tại Điều 66, ngoài hỗ trợ cho tổ chức cần nghiên cứu hỗ trợ lãi suất cho cả cá nhân, nhằm thúc đẩy tối đa các hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn xã hội.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua sau khi hoàn thiện các nội dung dựa trên ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.