Đại biểu Quốc hội Quảng Nam kiến nghị tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

VĂN HIẾU 01/11/2023 08:00

Chiều 31/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023. Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận một số chính sách tác động lớn đến đời sống, tâm tư của đại bộ phận nhân dân, cũng như trách nhiệm của hệ thống chính trị.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.H
Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.H

Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, việc doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó, nhất là các khoản vay trung và dài hạn, do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp.

Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các khoản đầu tư của doanh nghiệp chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, các ngân hàng hầu như không chấp nhận những tài sản này làm tài sản đảm bảo; đây là rào cản lớn, bởi các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, trong khi nhiều đơn giá của Nhà nước chậm thay đổi và còn quá thấp; doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, phải thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt tiến độ còn hơn là thi công mà lỗ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng giải ngân vốn đầu tư công hiện nay thấp.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, kết thúc năm học 2022 – 2023, cả nước còn thiếu hơn 118 nghìn giáo viên, “làn sóng” giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.

Đại biểu cho biết, qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội, cho thấy hiện nay tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng 10% với ngành đặc thù như giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên trên lớp.

Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó do không có nhiều người đăng ký dự tuyển. Thậm chí có người trúng tuyển cũng bỏ việc, không nhận công tác ở các khu vực khó khăn này.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đã giúp ngư dân phát triển đội tàu vươn khơi, bám biển, tạo nên những cột mốc sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, với nhiều quy định còn bất cập, chưa tính đến hiệu quả kinh tế, dẫn đến nhiều chủ tàu lâm nợ, tàu hư hỏng nặng phải nằm bờ; hiện nay việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ nợ xấu cao.

Ở Quảng Nam tỷ lệ nợ xấu chiếm trên 92% dư nợ cho vay theo Nghị định 67, tình trạng này được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều lần nhưng Chính phủ chưa có giải pháp tháo gỡ. Từ những thực trạng trên, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất một số giải pháp sau:

Chính phủ cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đại biểu thì trước mắt cần tập trung khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hạ mức lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; hạ các tiêu chuẩn về đánh giá lịch sử trả nợ của khách hàng là doanh nghiệp; giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu; đồng hành, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; nghiên cứu có chính sách giảm, giản thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay để nuôi dưỡng nguồn thu.

Đại biểu Dương Văn Phước kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên, đãi ngộ và chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, với tinh thần “ở đâu có trường, có lớp, có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”.

Chính phủ chỉ đạo tổ chức đánh giá, xem xét một cách toàn diện, kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67; cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giản nợ, xóa nợ, ưu đãi lãi suất đối với từng trường hợp cụ thể, kể cả biện pháp xóa nợ. Có cơ chế phù hợp để xử lý đối với các tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu không đủ năng lực tổ chức hoạt động sản xuất phải chuyển nhượng. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội Quảng Nam kiến nghị tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO