Quốc tế hóa giáo dục, thu hút lưu học sinh và sinh viên quốc tế là một trong những chiến lược đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2025.
Cuối tháng 4 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức cho 108 lưu học sinh Lào đang theo học chương trình dự bị tiếng Việt tại trường tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP.Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là một học phần ngoại khóa nhằm tạo cơ hội cho lưu học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa địa phương, qua đó rèn luyện thêm tiếng Việt trong môi trường thực tế.
TS.Nguyễn Văn Sang - Phó Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế của nhà trường cho biết, trong chuyến đi này, nhà trường tổ chức cho lưu học sinh tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ, làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) và điểm nhấn là tham quan Khu di tích Mỹ Sơn tại Duy Xuyên, được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.
Lưu học sinh Phommachak Sonexay (tỉnh Champasak) hào hứng chia sẻ: “Em rất thích chuyến đi thực tế này, bởi nhờ đó lưu học sinh biết thêm nhiều điều mới mẻ về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Thông qua các hoạt động trên hành trình còn tạo cơ hội cho lưu học sinh giao lưu, thực hành tiếng Việt tự tin hơn”.
Chuyến trải nghiệm thực tế để lại nhiều kỷ niệm thú vị cùng bạn bè và thầy cô. Lưu học sinh Thatsany Phommasy (Thủ đô Viêng Chăn) bày tỏ: “Nhất định tôi sẽ giới thiệu cho gia đình và bạn bè về những nơi đặt chân đến trong chuyến đi này. Cả đoàn còn được giao lưu với người dân địa phương, được giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống rất đặc sắc”.
Cứ mỗi độ đến Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia, lưu học sinh đang học tại các trường thành viên ĐHĐN lại háo hức trong không khí đón tết. Tết Bunpimay năm nay (diễn ra ngày 13 - 16/4) có thêm 20 lưu học sinh Lào của Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN được các gia đình là hội viên của Hội LHPN quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) đón về ở chung theo mô hình “Người mẹ thứ hai”.
Đây là mô hình độc đáo do Hội LHPN quận Liên Chiểu triển khai thực hiện từ năm 2019 đến nay. Qua đó thiết thực hỗ trợ, đón nhận các lưu học sinh Lào đang sinh sống, học tập tại Trường Đại học Sư phạm trở thành “con” trong gia đình hội viên phụ nữ.
Với mô hình này, các lưu học sinh sẽ được thường xuyên về thăm gia đình vào dịp cuối tuần, đặc biệt vào những ngày lễ tết. Qua đó, các lưu học sinh Lào có thêm cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa và ngôn ngữ Việt trong chính gia đình Việt “ ruột thịt” của mình.
Đại học Đà Nẵng hiện có gần 1.000 lưu học sinh, thực tập sinh đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới (Lào, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Úc, Thụy Điển, Hungary, Đức…).
Chỉ tính trong giai đoạn 2019 - 2024, ĐHĐN đã có hơn 3.000 lưu học sinh Lào đến học tập. Nơi đây đã thực sự là điểm đến được các lưu học sinh va sinh viên quốc tế tin tưởng, lựa chọn.
Cũng trong thời điểm này, với sự đồng hành của Tổ chức Kulturstudier đến từ Oslomet (Na Uy), 38 sinh viên Na Uy và 6 Đại sứ VNUK (Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, ĐHĐN) cũng vừa được trải nghiệm 10 tuần học tập, tìm hiểu, giao lưu, trải nghiệm thực tế bổ ích tại các điểm đến của TP.Đà Nẵng và Đô thị cổ Hội An.
Bên cạnh những bài giảng học thuật, sinh viên được tiếp cận thực tế qua hành trình địa phương mới lạ như: Bảo tàng Đà Nẵng, làng của người Cơ Tu - Bhơhôồng ở Đông Giang, Quảng Nam; Công ty CP Dệt may Hòa Thọ tại Đà Nẵng.
Emil (sinh viên Na Uy) bộc bạch: “Tôi cảm thấy yêu thích, gần gũi văn hóa bản địa của Việt Nam, với những người dân hiền hòa, mến khách, nhiều phong tục đặc sắc, mới mẻ, nhất là phong cảnh tươi đẹp và trải nghiệm cái nóng mùa hè thật khác biệt với Na Uy quê nhà”.