Kinh tế

Đại Lộc bứt phá đi lên

HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com) 28/03/2025 08:15

Đại Lộc từ một huyện thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn đã phát triển vượt bậc, với bước đột phá về hạ tầng, liên kết sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp; văn hóa xã hội có những khởi sắc đáng ghi nhận.

DAI LOC 1
Màu xanh trải khắp vùng quê Đại Lộc anh hùng. Trong ảnh: Toàn cảnh làng rau Bàu Tròn, xã Đại An. Ảnh: HỒ QUÂN

Kinh tế nông nghiệp

Bước ra khỏi 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ lâu dài, khốc liệt, có đến 116/128 thôn ở Đại Lộc bị tàn phá nặng nề, 8.000ha đất canh tác bị hoang hóa, đầy rẫy bom mìn tồn sót xen lẫn dây kẽm gai, hố bom và lau lách.

Song, nhờ thực hiện tốt các chiến dịch “tháo gỡ bom mìn”, “tiến công đồng cỏ”, “toàn dân làm thủy lợi”, “khai hoang phục hóa”, chỉ một năm sau ngày giải phóng, diện tích canh tác của huyện Đại Lộc từ 3.700ha đã tăng lên thành gần 10.000 ha.

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&MT huyện Đại Lộc cho biết, theo xu thế phát triển chung hướng đến tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, ngành nông nghiệp hiện chỉ còn chiếm hơn 10% cơ cấu kinh tế địa phương.

Vậy nhưng, điểm đột phá là chính quyền và người dân đã đổi mới tư duy sản xuất, hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch tưới tiêu, đưa nguồn giống chất lượng cao vào sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Năm 2024, toàn huyện gieo trồng tổng diện tích 15.543,4ha (2 vụ), trong đó lúa 8.441,8ha, bắp 1.668,2ha với tổng sản lượng đạt khoảng 65.944 tấn.

DAI LOC 3
Cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống ở xã Đại Nghĩa. Ảnh: HỒ QUÂN

Đáng chú ý, hơn 10 năm qua, các chuỗi liên kết sản xuất bắt đầu hình thành với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, nhất là trong sản xuất lúa giống.

Đến nay, Đại Lộc có 17 doanh nghiệp liên kết với các địa phương thông qua các HTX với tổng diện tích 1.900ha, trong đó 1.700ha sản xuất lúa giống, 200ha sản xuất bắp, đậu xanh, đậu phộng...

Điển hình như HTX Nông nghiệp Đại Thắng liên kết sản xuất lúa giống với 1.000 hộ trên diện tích 175ha; hay các HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Minh, Đại Thắng, Đại Hưng, Đại Nghĩa....

Thêm một điểm sáng trong ngành nông nghiệp Đại Lộc là kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 250 vườn trồng các loại chuối, ổi, bưởi, dừa, mít và các loại rau sạch.

Nhiều mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái từng bước được hình thành. Theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, có 75 vườn đã được hỗ trợ với kinh phí 2,7 tỷ đồng; đang lập hồ sơ để hỗ trợ thêm 20 vườn.

Động lực phát triển

Ông Phạm Thúy - Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và đô thị huyện cho biết, trong 10 năm gần đây, từ nguồn lực đầu tư của Trung ương và tỉnh, kết cấu hạ tầng của Đại Lộc được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại. Đầu tiên phải kể đến các công trình giao thông kết nối địa phương với các huyện lân cận, tạo bước đột phá cho phát triển.

DAI LOC 2
Ông Gerd Josef Teufel giới thiệu với Bí thư Tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết về dự án đang triển khai tại Đại Lộc nhân chuyến thăm doanh nghiệp năm 2024. Ảnh: HỒ QUÂN

Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Quảng Nam và 20 năm tái lập tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn tạo nên một trục ngang Nam - Bắc mới gồm quốc lộ (QL) 14H - ĐT609B - QL14B (Nông Sơn - Duy Xuyên - Đại Lộc ra Đà Nẵng). Tiếp đó, Đại Lộc được đầu tư nhiều công trình trọng điểm như cầu Hội Khách - Tân Đợi; cầu Văn Ly và đường dẫn; đường tránh Tây Ái Nghĩa; đường ĐH3.ĐL Đại An đi trung tâm hành chính huyện…

Đặc biệt, hai dự án đường nối QL14H đến ĐT609C và ĐT609C đến QL14B, với điểm nhấn là 2 cây cầu Sông Thu (qua sông Thu Bồn) và cầu An Bình (qua sông Vu Gia) vừa thông xe kỹ thuật chào mừng 50 Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam và 95 Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Đại Lộc 4
Cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia. Ảnh: HỒ QUÂN

Những năm qua, huyện cũng đã tranh thủ nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐH, xây mới các công trình cầu với tổng kinh phí gần 96,7 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Đại Lộc đã và đang là “điểm đến” của 52 nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đến cuối năm 2024 đạt 10.131 tỷ đồng (chiếm 61% cơ cấu kinh tế).

Ông Gerd Josef Teufel - Tổng Giám đốc Công ty Groz - Beckert Việt Nam (doanh nghiệp Đức) nói, chọn đầu tư tại Cụm công nghiệp Đại An (thị trấn Ái Nghĩa) là quyết định đúng đắn.

Trên tổng diện tích hơn 16,1ha được Nhà nước cho thuê, công ty bắt tay xây dựng nhà máy từ năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động năm 2010. Đến nay, công ty đã làm 2 nhà máy, cùng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, điện năng lượng mặt trời nhằm sản xuất các loại kim công nghiệp phục vụ ngành may mặc; giải quyết việc làm cho 930 lao động, trong đó 90% là người Đại Lộc.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh tế Đại Lộc có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được nâng lên. Tính đến cuối năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước của huyện đạt hơn 1.396 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động kinh tế gần 232 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,8 triệu đồng.

“Dựng xây quê hương, Đại Lộc vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trong đó, HTX Nông nghiệp Đại Đồng 2 và HTX Đại Hiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; lực lượng vũ trang huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đất nước; cán bộ và nhân dân huyện Đại Lộc được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là sự tiếp nối xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng, trở thành niềm vinh dự và nguồn động viên to lớn cho cán bộ và nhân dân bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước” - ông Khương nói.

Ông Mai Anh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đại Lộc cho biết, địa phương có 27 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội truyền thống Bà Phường Chào) và 4 di tích lịch sử cấp quốc gia (địa điểm Chiến thắng Thượng Đức, địa đạo Phú An - Phú Xuân, địa điểm khởi phát phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung tại đình Phiếm Ái và nhà ông Nghè Tiếp, mộ cụ Đỗ Đăng Tuyển).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc bứt phá đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO