(QNO) - Chiều nay 29/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn có buổi làm việc với huyện Đại Lộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM).
Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, tất cả 17 xã trên địa bàn huyện đều triển khai xây dựng NTM. Đến cuối năm 2023, có 15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Đại Hiệp), 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Đại Quang), 30 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Trong 15 xã, có 6 xã đảm bảo duy trì đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025; 9 xã chưa duy trì đạt chuẩn.
Đối với 9 xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao đến 2025, kết quả rà soát đánh giá xã Đại Thắng đạt 19/19 tiêu chí, hiện nay đang chờ bổ sung hồ sơ cam kết chỉ tiêu 1.3 về Quy hoạch chi tiết và chỉ tiêu xóa nhà tạm, báo cáo UBND tỉnh xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Huyện có 5 xã đạt được 17 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 1 xã đạt 13 tiêu chí.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Đại Lộc nêu lên những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đơn cử, mặt đường các tuyến đường huyện đảm bảo đạt chuẩn. Tuy nhiên, các cầu lại chưa đạt chuẩn, gồm cầu Trúc Hà tuyến đường ĐH13.ĐL, cầu Khe Cát tuyến ĐH9.ĐL. Tỷ lệ trồng cây xanh trên các trục đường đạt thấp, chưa đảm bảo tiêu chí cây xanh về tiêu chí giao thông. Trạm Y tế xã Đại Chánh chưa đạt do chưa đạt tiêu chí số 3 về cơ sở vật chất.
Cạnh đó, tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên bằng hoặc nhiều hơn 60% chưa đảm bảo. Theo đó, Trường THPT Chu Văn An đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 ngày 15/10/2021, 3 trường còn lại có Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển đã đạt chuẩn nhưng quá hạn 5 năm, 2 trường chưa đạt chuẩn (Trường THPT Lương Thúc Kỳ, Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ)...
Kiến nghị hỗ trợ nguồn lực
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Lê Văn Quang cho biết, huyện cam kết mục tiêu đến năm 2025 toàn bộ 17/17 xã đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn cần thực hiện là 92,055 tỷ đồng (đề xuất 70% tổng nhu cầu khoảng 65 tỷ đồng). Bên cạnh nỗ lực của địa phương, Đại Lộc kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trước mắt là hỗ trợ cho huyện 30 tỷ đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu vào chương trình xây dựng NTM và bổ sung các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương thực hiện, ưu tiên cho các xã xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu chưa được bố trí vốn. Xem xét đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
Lãnh đạo huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Y tế sớm thanh lý Trạm Y tế xã Đại Chánh để địa phương có mặt bằng đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa xã và quan tâm tạo điều kiện xây dựng Trạm Y tế xã Đại Chánh để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí và hướng dẫn việc xác lập hồ sơ minh chứng và các bước theo quy định để huyện Đại Lộc triển khai và sớm được công nhận huyện NTM vào năm 2025.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, Văn phòng điều phối NTM đã trả lời, nêu hướng giải quyết những tồn tại, vướng mắc của huyện Đại Lộc.
Theo Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn, các sở, ban ngành của tỉnh cần tạo điều kiện phối hợp, hỗ trợ Đại Lộc trong quá trình thực hiện.
Thời gian không còn nhiều, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn đề nghị Đại Lộc phân rõ việc, thời gian thực hiện theo từng tháng. Theo sát sự hướng dẫn của sở, ngành liên quan trong từng tiêu chí chưa đạt. Huyện chỉ đạo các ngành liên hệ với các sở, ngành theo chức năng để được hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc.
Năm 2025, Đại Lộc cần ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng NTM thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương, nỗ lực về đích thành công.