Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được xem là điểm sáng của tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với sắp xếp trường lớp, tạo ra sức bật mới trong công tác nâng cao chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, sự nghiệp GD-ĐT Đại Lộc luôn nhận được sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các trường học và lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân.
Điều quan trọng nhất, theo bà Vân, đó là quan điểm chỉ đạo của huyện xem đây là nhiệm vụ chính trị không chỉ của từng đơn vị trường học mà còn của toàn ngành GD-ĐT, Huyện ủy, UBND huyện, từng xã, thị trấn.
“Qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện luôn đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nghị quyết.
HĐND huyện cũng đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học xây dựng trường chuẩn quốc gia.
UBND huyện là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, trong chương trình hành động hàng năm luôn tập trung các giải pháp hỗ trợ ngành giáo dục và các trường tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ” - bà Vân nói.
Về phía ngành, xác định cơ sở vật chất là tiêu chí khó nhất trong xây dựng trường chuẩn, từ đầu mỗi nhiệm kỳ, Phòng GD-ĐT huyện chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của các trường để tham mưu lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đầu tư theo lộ trình, ưu tiên các đơn vị đến niên hạn xây dựng trường chuẩn.
Liên tiếp hai nhiệm kỳ 2015 - 2025, HĐND huyện đã ban hành 2 nghị quyết đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn.
UBND các xã, thị trấn cũng luôn quan tâm đầu tư cho các trường học của địa phương, có những xã dành gần 20 tỷ đồng/năm cho các trường.
Thực hiện chủ trương sắp xếp mạng lưới trường lớp học, giai đoạn 2018 - 2022 huyện Đại Lộc đã thực hiện sáp nhập 10 trường tiểu học thành 5 trường, 4 trường THCS và 4 trường tiểu học thành 4 trường tiểu học - THCS, là một trong những địa phương tinh gọn mạng lưới trường học nhiều nhất.
Song song với sắp xếp mạng lưới trường học, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nhờ đó, Đại Lộc đã tạo nên dấu ấn với những thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người và là địa phương đi đầu cả tỉnh trong xây dựng trường chuẩn.
Từ năm 1999, Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp) là trường đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn quốc gia; năm 2002 Trường Mầm non Đại Phong (xã Đại Phong) là trường mầm non đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên đạt chuẩn quốc gia.
Thời điểm năm 2017, trên địa bàn huyện 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Sau khi thực hiện sáp nhập 18 trường dẫn đến 1/5 số trường không còn đạt chuẩn và các trường phải thực hiện lại từ đầu.
Thế nhưng, bằng nỗ lực của ngành và sự hỗ trợ của địa phương, đến nay 50/52 trường của huyện đã đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; có những trường đã 4 lần được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại Lộc vẫn là điểm sáng trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, nhất là trường đạt chuẩn quốc gia.