Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chủ Nhật, 15/12/2024
Xã Đại Thạnh (Đại Lộc) đang tăng tốc, huy động tổng hợp các nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo, đưa Đại Thạnh về đích xã nông thôn mới vào năm 2023.
Đại Thạnh là xã miền núi, đại bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp (tỷ lệ 85%). Tính đến đầu năm 2022, toàn xã còn 77 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,23%; có 47 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, giai đoạn 2016 - 2019, từ các nguồn lực từ Chương trình 30a, 135 của Chính phủ và các nguồn lực khác, xã Đại Thạnh đã huy động được 870 triệu đồng hỗ trợ hàng trăm hộ dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò...
Nhiều hộ cải tạo vườn tạp, trồng bưởi, trồng tiêu tại thôn Hanh Đông, Hanh Tây, Tây Lễ, Mỹ Lễ và An Bằng thu hoạch lứa đầu tiên vào năm 2020. Đại Thạnh hỗ trợ 2 hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với sản phẩm chè An Bằng và sản xuất lúa giống với 216 hộ tham gia tại thôn Hanh Đông và Hanh Tây.
Đại Thạnh cũng đẩy mạnh công tác giảm nghèo từ việc tận dụng nguồn lực từ Chương trình khoán chăm sóc bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ. Từ năm 2018 - 2020, địa phương hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho gần 400 hộ dân tham gia các tổ chăm sóc bảo vệ rừng.
Từ chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh, năm 2017, toàn xã có 49 hộ đăng ký thoát nghèo, 81 hộ đăng ký thoát cận nghèo, hầu hết được hỗ trợ nuôi bò và sinh kế buôn bán.
Năm 2023, xã Đại Thạnh phấn đấu về đích xã nông thôn mới và hiện địa phương đã đạt được 16/19 tiêu chí. Còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất, tiêu chí số 9 về nhà ở và tiêu chí số 10 thu nhập. Trong đó, tiêu chí thu nhập có vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi địa phương phải đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nam, xã Đại Thạnh xác định thế mạnh là phát triển kinh tế vườn và kinh tế lâm nghiệp. Từ các nguồn lực, xã đã hỗ trợ người dân bảo tồn, phát triển vườn chè, duy trì tổng diện tích hơn 30ha, thu hút hàng trăm hộ trồng chè, cải thiện thu nhập.
Giai đoạn 2022 - 2025, xã phấn đấu hình thành được ít nhất 100 vườn cây ăn quả và chỉ tiêu đặt ra mỗi năm phải phát triển được 25 vườn trồng. Địa phương phối hợp với đơn vị liên quan triển khai hỗ trợ 240 hộ dân trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng, hướng tới xuất khẩu gỗ rừng.
Công tác xóa nhà tạm, giảm hộ nghèo và cận nghèo được địa phương chú trọng. Qua khảo sát năm 2020, toàn xã còn 20 nhà tạm và được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà hảo tâm, xã xóa thêm một số nhà tạm và phấn đấu xóa 100% nhà tạm vào năm 2023 - 2024.
“Để công tác giảm nghèo hiệu quả, mỗi tổ chức chính trị - xã hội, mỗi đoàn thể, lãnh đạo xã cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ người nghèo, tích cực vận động xã hội hóa giúp người nghèo, phải phân loại đối tượng để tìm cách giúp đỡ phù hợp. Tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thoát nghèo để khích lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Nam chia sẻ.