Văn hóa

Dặm dài chợ quê ven biển

TÔN THẤT HƯỚNG 05/05/2024 12:40

(VHQN) - Chợ quê ven biển là sắc thái văn hóa độc đáo của cộng đồng cư dân miền biển xứ Quảng, cùng các đặc điểm về địa lý, lịch sử riêng có.

cho-ca-ben-chan-song.jpg
Chợ bên chân sóng. Ảnh: Hồ Xuân Tịnh

Gian nan cuộc mưu sinh

Đầu thế kỷ 15, trong quá trình mở rộng lãnh thổ về phía nam, người Việt ở phía bắc bắt đầu di cư vào xứ Quảng. Có thể kể đến như nguồn gốc của cư dân làng Viêm Đông, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) là người Hải Dương - vùng đất có yếu tố biển. Hay cư dân Tam Giang (Núi Thành) có nguồn gốc từ Thanh Hóa cùng làng Diêm Trường với nghề làm muối từ đây.

Dần theo thời gian, cả vùng biển dài của Quảng Nam được khai phá, hình thành những làng xã mới với dân số ngày càng đông. Cư dân ven biển chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề biển. Trong đó có một số người sống gắn bó với sông nước, lập thành những vạn chài.

Giai đoạn đầu đi vào phương nam, ngư dân từ nhiều nơi tập trung lại thành vạn. Có vạn sống dọc ven sông hoặc vạn sống theo bãi ngang của biển như vạn Thanh Hà, vạn Trường Giang, vạn Tam Thanh, vạn An Hòa...

Mỗi vạn ở miền biển Quảng Nam có chừng hai mươi đến năm, sáu mươi gia đình làm nghề đánh bắt cá tụ tập lại theo kiểu “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập” (Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ tập).

Đó cũng là những cư dân đầu tiên tạo thành làng xã miền biển Quảng Nam. Đến cuối thế kỷ 16, bước sang thế kỷ 17 và nửa đầu thế kỷ 18, cảng biển Cửa Đại Chiêm - Hội An, xứ Quảng là trung tâm thương mại ở Đông Nam Á với những sản vật biển có giá trị, đó là yến sào, bào ngư, vi cước cá, da cá, đồi mồi, san hô, xà cừ…

Hình thành chợ

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng (năm 1585), ông cho đẩy mạnh chính sách khai khẩn đất đai, lập làng. Cạnh đó, khuyến khích hoạt động thương mại, hình thành mạng lưới chợ ven biển để liên kết buôn bán giữa các vùng xứ Quảng.

img_6118.jpg
Chợ biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Bích Công

Lúc này, hầu hết chợ nguyên thủy được lập trên chỗ đất cạnh bến sông, nơi đổ ra cửa biển, vì thời xưa việc giao thông đi lại rất khó khăn... Cư dân phải tụ tập buôn bán ở các chợ Thanh Hà - Hội An đến chợ Bàn Thạch, chợ Nồi Rang, chợ Tân An, chợ Tam Thanh, chợ Bến Ván, chợ Tam Quang…

Nhắc đến làng quê miền biển không thể không nhắc đến chợ - thường nằm trên mảnh đất rộng, có thể ở vị trí trung tâm của làng. Thuở ban đầu, chợ đơn giản là mấy cái cọc xiêu vẹo, vách tranh lợp lá, sau dần mở rộng ra. Chợ lúc này có cấu trúc phân bố theo cư trú của người dân sinh sống ven biển, ở ngay lưu vực của các sông ngòi đổ ra cửa biển.

Chợ sẽ nằm tại các ngã ba đường nước để thuận tiện cho việc giao dịch trao đổi hàng hóa từ biển lên nguồn dựa theo cửa sông để ghe thuyền vận chuyển hàng hóa. Với làng ven biển, có chợ ở sát ngay mép sóng như chợ Trung Phường, chợ Thanh Hà, chợ Tam Quang… Đến khi xuất hiện giao thương qua cảng thị, cảng biển cũng là chợ để thông thương với bên ngoài.

Xưa, chợ ở làng biển không có sạp hàng cố định, mà chỉ là những gánh hàng của các phụ nữ. Sáng sớm họ gánh hàng ra chợ, tan chợ lại gánh về hoặc rong ruổi khắp các ngõ xóm bán rong. Có lẽ vậy nên hình ảnh đôi quang gánh trở thành biểu tượng cho sự tần tảo buôn bán của người phụ nữ, cũng là hình ảnh đặc trưng cho phong cách sinh hoạt của chợ quê xưa.

Khách đi chợ mua hàng cũng như người bán đều là dân trong làng hoặc ở các làng xung quanh. Chợ quê vùng biển thường đông từ tờ mờ sáng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà chợ lại tụ hội sớm. Bởi đây là tính chất công việc, ngư dân thường cho ghe thuyền cập bến từ rất sớm, còn các thương lái thì đến mua hàng đem đi bán lại ở các chợ xa.

Chợ là thành tố của văn hóa làng

Tưởng chừng chợ chỉ là sự hiện hữu cụ thể nhưng bản chất văn hóa bên trong của không gian này thật sự sâu và dày.

Chợ làng là phần đời sống của người dân quê được khắc họa và thể hiện rõ nét. Đối với những người “nhà quê”, chợ đi vào tiềm thức, vào tâm hồn họ bằng những hình ảnh thân quen thường nhật.

Ngày nay, dẫu cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ truyền thống. Dĩ nhiên, họ đến không chỉ để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Chợ quê miền biển càng là nơi lưu nét văn hóa của cư dân xứ sở đậm đà nhất.

Chợ không chỉ biểu thị mối quan hệ ứng xử giao đãi theo chiều ngang mà còn biểu thị mối quan tâm theo chiều dọc nội tâm. Đây là đặc điểm tự cân bằng, tự thích ứng rất mềm dẻo hài hòa của cộng đồng cư dân làng xã.

Chợ quê miền biển dù đơn giản, nhưng không hề lạc lõng với thế giới bên ngoài. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hóa làng cũng như lưu giữ tổng thể những nét văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác cùng tục lệ, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân.

Và, văn hóa chợ ở làng biển là cũng một yếu tố di sản cần được bảo vệ, giữ gìn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dặm dài chợ quê ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO