Khi những cơn gió mùa đầu tiên thổi qua hiên nhà nơi phố thị, món cháo lòng dân dã chợ quê lại thơm lừng hương ký ức.
Trong cái lạnh của phố thị, món ngon thức dậy trong tôi là tô cháo lòng nóng hổi. Nguyên liệu dễ mua, cách nấu không cầu kỳ, mẹ thường nấu cháo lòng cho bữa sáng để các con kịp đến trường.
Nhà tôi gần sạp bán thịt heo của chị Bông. Sáng sớm, xách rổ qua bên kia đường làng là mẹ có thể mua ít lòng heo tươi, thêm miếng má đầu về nấu cháo.
Mẹ mở chum vốc ít nắm nếp hương, vo chung với gạo mùa để cháo dẻo thơm. Lòng sau khi rửa thật sạch với muối hột và chanh, mẹ thả vào nồi nước đang sôi trên bếp củi. Tranh thủ mẹ ra góc giếng hái ít rau răm, bẻ vài trái chuối chát, đào thêm vài củ gừng, hái mấy trái ớt xanh đỏ vào rửa sạch.
Mẹ đập giập miếng gừng tươi, mở vung thả vào nồi lòng đang sôi cho thơm. Khi lòng chín vớt ra để ráo. Nồi cháo cũng đã nở bung, mẹ khử chút nén nghệ đổ vào, nêm nếm vừa miệng.
Công đoạn làm nước chấm cũng phải đâu vào đấy, mẹ dặn thiếu gừng hay vị cay của ớt, vị chua ngọt của chanh đường sẽ không tròn vị. Rau mùi ăn kèm trong vườn có gì dùng nấy. Gặp hôm buồng chuối chát đang xanh, xắt vài trái ăn kèm ngon phải biết.
Những hôm theo mẹ đi chợ, trong cái rét ngọt mưa mùa, được mẹ đãi món cháo lòng nóng hổi mà những nhớ nhung líu quíu bàn chân nhỏ. Góc chợ quê vì thế cũng trở nên đáng nhớ của dân ngụ cư nơi phố thị.
Chiều nay trời trở gió, gởi hình ảnh chén nước chấm đậm ớt gừng nồng ấm bên tô cháo, có người xuýt xoa nhớ. “Nhà ngoại em mấy chục năm bán cháo lòng ở ngôi chợ trung du. Hồi còn nhỏ xíu, em cũng theo má ra chợ phụ bán cháo lòng.
Quán lợp mái tranh, cọc tre mà qua bao vật đổi sao dời. Con bé lít nhít chạy bàn, bưng cháo rát bỏng tay non chừ cũng rời quê ra phố. Cái món dân dã nơi góc chợ ấy, ôi trời, nhớ!”.
Chị em tôi cũng từng bó gióng gánh cháo lòng ra đồng phụ mẹ cho bữa nửa buổi gặt lúa. Trước khi xuống đồng, sáng sớm mẹ tranh thủ nấu nồi cháo, ủ tro để trên bếp.
Đêm hôm trước, mẹ đã dặn chị em tôi canh giờ gánh cháo xuống đồng. Con đường ruộng đất thấp đất cao, tôi không biết bằng cách nào, nồi cháo dù nghiêng chao theo bước chân nhỏ vẫn còn vẹn nguyên cho các cô, các bác đổi công gặt lúa.
Đi tìm vị xưa, ngẫm cũng kỳ công. Trong cái se lạnh giao mùa, tôi lại tìm ghé quán cháo lòng nơi ngã ba Nam Phước. Quán chỉ bán vào buổi chiều, nằm ken giữa nhà cửa san sát của thị trấn, mà khách ra vào tấp nập. Phải đi sớm, trễ chút là về không, chị chủ nói. Nhìn phần cháo dọn lên, thực khách biết chị không ngoa. Cháo huyết mềm mịn, dĩa lòng cùng với nước chấm, rau ăn kèm thật sự nịnh mắt.
Ẩm thực quê xứ thật ấn tượng. Dẫu ở ngóc ngách hẻm phố, hàng nhỏ đơn sơ nơi góc chợ hay quán tươm tất, người đầu bếp vẫn bày biện bằng những năm tháng nhóm bếp mà thành.
Như phần cháo lòng trước mắt tôi, những sắc màu của ẩm thực tạo nên sức hút đặc biệt. Không phải ở nhà hàng sang trọng, chính món dân dã, lẫn trong đời sống mà bám rễ vươn cành.
Để rồi đâu đó trong cuộc chuyện trò về quê xứ, “bà Năm còn bán cháo lòng trong chợ hay không?”, “mưa ri không biết bà Bảy còn làm bánh ram đem bán?”, “lạnh lạnh ni mà có chén chè nóng hè”…
Quê xứ, chẳng đâu xa. Được bữa ngồi kể món xưa, rồi ngó nhau mà thèm, mà nhớ…