(QNO) - Làm gì để đánh thức và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ dòng sông Thu Bồn vẫn là một câu hỏi bỏ lửng theo thời gian.
Dòng chảy của giao thương, văn hóa
Dòng chảy sông Thu Bồn gắn liền với dòng chảy của vùng đất xứ Quảng. Qua thăng trầm thời gian, rải rác hai bên bờ sông từ thượng nguồn đến hạ du vẫn còn nhiều "trầm tích" quý giá chính là các làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng nghề truyền thống điển hình của Quảng Nam như: làng Đại Bình (Nông Sơn); làng chiếu Bàn Thạch (Duy Xuyên); làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn); làng gốm Thanh Hà, làng mộc Cẩm Kim (Hội An)...
Và giàu có hơn cả tài nguyên thiên nhiên là hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng gắn bó mật thiết với dòng sông Thu Bồn.
Sẽ là một hành trình khó quên cho du khách khi khởi hành từ phố cổ Hội An ngược dòng sông Thu lênh đênh khám phá bao giá trị bản địa của vùng đất và kết thúc hành trình tại quần thể đền tháp huyền bí Mỹ Sơn.
Ông Lê Ngọc Thuận - người sáng lập dự án "Làng củi lũ" tại Cẩm Hà, TP.Hội An cho rằng, không đơn thuần là một con sông, sông Thu Bồn là một dòng chảy của giao thương, văn hóa, nghệ thuật từ đó góp phần kiến tạo nên những di sản cho Quảng Nam. Hy vọng trong tương lai gần, các làng nghề dọc theo sông Thu Bồn sẽ có nhiều sáng tạo với những sản phẩm, câu chuyện độc đáo để tồn tại và quan trọng là kết nối thành một "hệ sinh thái" để cùng nhau phát triển bền vững dựa vào du lịch.
Những cuộc khảo sát, mời gọi phát triển dịch vụ - du lịch liên quan đến dòng sông này đã có từ lâu nhưng khi đánh giá về khả năng khai thác du lịch đường sông trên sông Thu Bồn các bên liên quan đều chung nhận định sản phẩm du lịch vẫn chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách cũng như vướng các quy định về quy hoạch, giao thông...
Cần thúc đẩy kết giữa các bên
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc” vừa diễn ra nhân kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024), nhiều chuyên gia đề xuất cần nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo, nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour.
Đồng thời tổ chức quy hoạch bến bãi và kết nối các điểm du lịch, các làng nghề với nhau, tạo thành một tuyến du lịch để có thể kết nối phố cổ Hội An với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của Quảng Nam và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, để thúc đẩy khai phá tiềm năng du lịch đường sông Thu Bồn, Sở VH-TT&DL vừa đề nghị chính quyền TP.Hội An - thị xã Điện Bàn - huyện Duy Xuyên nghiên cứu nội dung hợp tác liên kết của ba địa phương để hình thành các tuyến du lịch đường sông trên sông Thu Bồn và các chi lưu.
Đồng thời rà soát các quy hoạch của địa phương về bến bãi để đưa vào đầu tư phục vụ vận chuyển khách du lịch, kết nối các điểm tham quan, du lịch, các làng nghề... cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông.
Trước mắt 3 địa phương cần phối hợp mời các doanh nghiệp có quan tâm, cùng với Sở VH-TT&DL, các ngành, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tuyến để từ đó xây dựng đề án phát triển sản phẩm... Sở sẽ hỗ trợ kết nối với các đơn vị lữ hành, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, có phương án đầu tư, khai thác... Đồng thời sẽ hỗ trợ tập huấn về công tác quản lý, khai thác dịch vụ điểm đến theo kế hoạch công tác của đơn vị.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Cũng theo Sở VH-TT&DL, để thực sự tạo ra giá trị du lịch khác biệt cho dòng sông Thu Bồn cần lồng ghép văn hóa với du lịch, để tạo được nét văn hóa đặc trưng của Quảng Nam, của địa phương, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường sông.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở thông thoáng, đề xuất cơ chế quản lý mô hình phát triển du lịch đường sông; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour, tuyến du lịch đường sông, đồng thời đầu tư tàu vận chuyển khách đảm bảo chất lượng, an toàn để du khách vừa ngắm cảnh vừa có thể nghỉ ngơi.