Danh tướng Nguyễn Văn Trương - một trong “Ngũ hổ tướng Gia Định” được vua Gia Long mến mộ, xếp ngang hàng với công thần Vọng Các, tức những người đã từng theo vua bôn ba hải ngoại.
Công thần Vọng Các
Nguyễn Văn Trương (1741-1810) người xã An Lý, huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam. Ông được Nguyễn Vương tin yêu, cầm quân đánh đông dẹp bắc, chủ yếu là thủy chiến, trải qua hàng trăm trận lớn nhỏ.
Trong đó, có những trận then chốt như trận Thị Nại và trận lũy Trấn Ninh trên sông Nhật Lệ. Những trận đánh này là bản lề để mở ra cánh cửa chiến thắng của quân Nguyễn Ánh sau này.
Đất nước thanh bình, năm Quý Hợi (1803), ông dâng sớ xin cáo lão hồi hưu. Vua Gia Long tiếc tài xuống chiếu không chuẩn y, đi đâu cũng cho theo bên cạnh, lại giao thêm nhiều trọng trách.
Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông bị bệnh mất. Mộ táng trên ngọn đồi ở thôn Tứ Tây thuộc làng An Cựu (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế). Mùa đông, tháng Một năm Ất Hợi (1815), ông được thờ vào miếu Trung Hưng công thần.
Đến tháng Hai năm Đinh Sửu (1817), vua sai lập danh sách “công thần Vọng Các” (những người từng theo phò Nguyễn Ánh sang lánh ở Bangkok, Thái Lan). Tuy không có công cầm cương ngựa đi theo, cũng liệt vào số công thần Vọng Các để cho vẻ vang.
Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) cấp ruộng cúng và cho phụ thờ vào Thế Miếu; năm thứ 12 (1831) truy tặng Tá Vận công thần, Đặc Tiến Tráng Vũ Đại tướng quân, Trung Quân Đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo, đổi tên thụy là Chiêu Vũ, phong Đoan Hùng Quận công; năm thứ 16 (1835), lại cho phụ thờ vào Võ Miếu.
Ông có ba con trai, trong đó có 2 người theo binh nghiệp. Con trai út là Ngoạn, kết hôn với Bình Thái công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Châu (1782-1847, con gái đầu của vua Gia Long) cũng theo binh nghiệp, từng làm đến khâm sai thống chế lĩnh ấn trấn Thanh Hoa. Cháu chắt của ông hầu hết đều đi theo đường binh nghiệp, làm quan tới chức Cai cơ, Quản cơ, có người được làm phò mã…
Dấu ấn của người Quảng Nam tại Huế
Trải qua bao biến cố lịch sử, thân thế và sự nghiệp hiển hách của danh tướng người xứ Quảng hầu như rơi vào quên lãng. Cho đến năm Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), vào dịp lễ Hưng Quốc Khánh Niệm, vua vào lễ ở Thế Miếu xong, tưởng nhớ công lao khai quốc của các công thần cũ bèn sai người đến thăm hỏi. Từ lúc này, mới biết ngôi nhà thờ của ông không ai trông nom và hoang phế do chưa xác định được người thờ tự.
Nhà vua liền cấp ruộng, cho người cháu nối của ông là Nguyễn Văn Vị, lúc ấy mới được 12 tuổi, nhận lãnh và được tập tước Đoan Hùng nam.
Thay mặt Hội đồng châu Quảng Nam thời bấy giờ là Tiến sĩ Phạm Liệu, đứng ra quyên góp tiền bạc từ con em Quảng Nam làm quan ở Huế để dựng lại ngôi từ đường.
Ông cũng cho sửa sang nhà cửa cho người thờ tự là Đoan Hùng nam Nguyễn Văn Vị, đặt 2 tấm bia công đức bên ngoài nhà thờ và đích thân viết bài văn bia dựng trên mộ.
Triều Nguyễn cáo chung, chiến tranh loạn lạc, ngôi nhà thờ cũng theo thời gian mà hư hỏng. Đến năm 1995, sau gần 100 năm dãi gió dầm mưa, ngôi nhà thờ cũ được con cháu trùng tu bằng vật liệu hiện đại.
Những tấm bia và 1 bức hoành phi cùng 2 câu đối từ năm Khải Định thứ 4 vẫn còn đó. Bức hoành phi đề 5 đại tự 端雄郡公祠 Đoan Hùng Quận công từ (Nhà thờ Đoan Hùng Quận công) được sơn son thiếp vàng, cùng dòng lạc khoản bên phải đề 啟定四年紀念節Khải Định tứ niên kỷ niệm tiết (lễ kỷ miệm [Quốc Khánh] năm Khải Định thứ 4), dòng bên trái 京官文武官員敬拜奉 Kinh quan văn võ quan viên kính bái phụng (văn võ quan viên làm quan ở Kinh kính dâng).
Những câu đối thể hiện tinh thần Quảng Nam với nội dung như sau: Đất Quảng quê xưa, tông tổ ơn sâu truyền vạn thuở/ Thành đô lập nghiệp, cháu con bồi đắp tiếp nghìn thu/ Ngẩng thấy càng cao, An Lý gốc nền vững chãi/ Nguồn tuôn không dứt, Duy Xuyên chi phái nối dài (bản dịch nghĩa).
Từ năm Khải Định thứ 4 đến nay, hậu duệ của ông ở An Cựu vẫn nhang khói ngôi từ đường và chăm sóc mộ phần như bổn phận của hàng con cháu đối với tổ tiên.
Tuy nhiên hầu như không ai biết đến những chiến công hiển hách của ông, tuy đã được sử ghi lại, thậm chí con cháu tộc Nguyễn gốc của ông ngay tại chánh quán là làng An Lý, xã Bình Định, huyện Thăng Bình vẫn không mấy ai biết đến ngôi mộ ở Huế. Ngay tại An Lý vẫn còn đó ngôi mộ đất đơn sơ được con cháu trong họ cho là mộ của ông.
Vào khoảng những năm 2018 - 2019, tình cờ một số người phát hiện ra ngôi mộ đổ nát, đọc tấm bia mới biết được đây là mộ của vị danh tướng khai quốc công thần triều Nguyễn là Đoan Hùng Quận công Nguyễn Văn Trương. Nhờ đó, con cháu ông ở Quảng Nam đã tìm ra mộ thật và kết nối được với hậu duệ của ông hiện đang ở Huế.