(QNO) - Mở hướng thoát nghèo, huyện Đông Giang đã và đang chú trọng triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp để người dân địa phương được đào tạo nghề, tìm việc làm ổn định nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Nhiều kết quả
Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang cho biết, công tác giáo dục nghề nghiệp luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch đặt ra. Riêng năm 2023, về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, tính đến ngày 31/5, UBND huyện đã phân bổ hơn 180 triệu đồng cho Phòng NN&PTNT Đông Giang để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động trên địa bàn huyện. Từ đây, phòng chức năng đang phối hợp với các xã, thị trấn tuyển sinh học viên, dự kiến mở 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được địa phương chú trọng thực hiện theo các tiểu dự án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Tính đến ngày 31/5/2023, Phòng LĐ-TB&XH Đông Giang đã phối hợp tổ chức xong lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho 35 học viên tại xã Mà Cooih, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ngành chức năng đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề và đã có 56 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ nay đến cuối năm 2023, Đông Giang sẽ mở thêm 2 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 56 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, huyện dự kiến mở 2 lớp nghề phi nông nghiệp cho 69 lao động thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số. Người dân sẽ được đào tạo nghề miễn phí về kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, nề hoàn thiện. Học viên được hỗ trợ tiền ăn; còn được hỗ trợ tiền đi lại tùy vào cự ly chi chuyển, địa bàn cư trú. Địa điểm tổ chức lớp đào tạo sẽ diễn ra tại trung tâm xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia.
Còn nhiều trở lực
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (địa phận 2 xã Mà Cooi, Kà Dăng của huyện Đông Giang) được chính thức vận hành và khai trương vào ngày 29/4/2022.
Cổng Trời Đông Giang cũng là khu du lịch đầu tiên có quy mô lớn nhất khu vực miền núi vùng tây Quảng Nam, được mệnh danh là kiệt tác giữa đại ngàn. Đúng như cam kết và tâm nguyện ban đầu, để vận hành và khai thác phục vụ du khách, chủ đầu tư là Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (trực thuộc Tập đoàn FVG) đã tuyển dụng, đào tạo và tiếp nhận hàng trăm nhân viên là người dân sinh sống tại địa bàn Đông Giang, trong đó phần lớn là đồng bào Cơ Tu vào làm việc.
Như vậy, con em người địa phương không phải đi đâu xa mà vẫn có việc làm ổn định, có điều kiện cải thiện thu nhập, đưa gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, địa bàn Đông Giang lại có ít doanh nghiệp, đơn vị có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân bản địa, bởi việc thu hút đầu tư còn gặp không ít trở lực. Chính vì vậy, chuyện liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo tại địa phương không hề đơn giản.
Theo ông Đinh Ngọc Thanh, nguồn kinh phí từ các chương trình MTQG phân bổ nhiều, trong khi thực tế công tác tuyển sinh học viên hằng năm của các địa phương gặp không ít khó khăn do người dân không mặn mà đăng ký theo học các chương trình đào tạo nghề, dẫn đến áp lực giải ngân cho kịp tiến độ của địa phương là rất lớn. Cạnh đó, người lao động tự đi làm việc tại các tỉnh, thành phố lân cận sẽ không dễ thông tin, tuyên truyền và vận động họ đăng ký học nghề, đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các chính sách hiện hành cũng như định hướng nghề nghiệp.
Hiện nay, người dân đang có xu hướng tự đi tìm việc tại các công ty, nhà máy mà phần lớn những doanh nghiệp vừa đề cập có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nên lực lượng này chưa được đào tạo nghề. Do vậy, cấp có thẩm quyền cần có chính sách động viên người lao động đi tìm việc tại công ty để họ có ngay thu nhập khi vào làm, tổ chức đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ để người lao động gắn bó lâu dài với công việc được đào tạo. Khi đó, người có trách nhiệm sẽ giải quyết được cả ba vấn đề: cung ứng lao động cho doanh nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. “Song, nói gì thì nói, bản thân người dân trước hết phải có ý chí tự vươn lên, đây là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững” - ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang từng chia sẻ.