Nhiều hiện vật phát lộ tại Khu đền tháp Mỹ Sơn tương ứng với một số nội dung trên văn khắc, thể hiện quá trình xây dựng và trùng tu trong suốt 10 thế kỷ của các vị vua Champa...
Khu đền tháp Champa ở Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, với tên gọi tiếng Anh là “My Son Sanctuary” (Đất thiêng Mỹ Sơn/Thánh địa Mỹ Sơn).
Các đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng trong 10 thế kỷ, từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 14; trong đó có những ngôi tháp đã trải qua nhiều lần bị tàn phá trong chiến tranh và được các vị vua Champa cho trùng tu hoặc xây dựng lại.
Tư liệu quý từ văn khắc
Thông tin về xây dựng và trùng tu thường được khắc trên các khung cửa bằng đá, gắn liền với kiến trúc, hoặc trên các bia đá đặt phía trước kiến trúc chính, có khi có mái che.
Bản văn khắc ký hiệu C 73, thế kỷ 6, tìm thấy ở khu vực giữa nhóm tháp A và nhóm tháp B, ghi việc vua Śamhhuvarman xây dựng lại một ngôi đền bị cháy trước đó. Đây là thời kỳ đền thờ còn dùng nhiều vật liệu cây, gỗ hơn là gạch và đá.
Đến khoảng thế kỷ 7 và 8, đền thờ ở Mỹ Sơn cũng còn có loại hình kiến trúc kết hợp nền móng bằng gạch và trụ đỡ vòm mái bằng các kết cấu đá và gỗ; dấu tích còn đến ngày nay là ngôi đền E1, với cấu tạo tường mỏng, không phù hợp để chống đỡ một vòm mái gạch như các đền tháp thời kỳ sau.
Cho đến thời kỳ được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu gạch và đá, thì các đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn bị hủy hoại trong những cuộc chiến tranh; đặc biệt là các tượng thờ và vật dụng thờ tự bên trong các đền tháp thường bị cướp phá.
Văn khắc C 94, thế kỷ 11, tìm thấy ở khu tháp E, ghi lại sự kiện vua Harivarman xây dựng lại ngôi đền của thần Śrīśanabhadreśvara. Đây là bản văn tiếng Chăm cổ, dùng kiểu chữ Phạn, được Louis Finot phiên âm ra chữ Latinh và dịch ra tiếng Pháp (1904), sau đó được Ramesh Majumdar dịch ra tiếng Anh (1927). Nội dung văn khắc cho biết vua Harivarman tiến hành trùng tu đền tháp ở khu vực Mỹ Sơn và ở một số vùng của Champa sau cuộc chiến tranh.
“Kẻ thù tiến vào nước Champa, chiếm cứ đất nước và lấy hết tài sản của hoàng gia và của các vị thần; cướp bóc các đền đài, tu viện, làng mạc và các cơ sở cùng với voi, ngựa, trâu, bò, mùa màng…; cướp phá ngôi đền của thần Śrīśanabhadreśvara cùng các vật dụng mà các vị vua Champa đã dâng cúng cho thần, lấy đi hết của cải, bắt hết những người phụng sự tại đền, các nhạc công, ca sĩ… cùng với các tài sản của thần Śrīśanabhadreśvara; ngôi đền trở thành trống không và không còn thờ tự.
Vua Harivarman thấy ngôi đền của thần Śrīśanabhadreśvara bị hủy hoại, bèn xây dựng lại ngôi đền của thần và nhiều ngôi đền khác, làm cho đẹp đẽ hoàn hảo. Nhà vua dâng cúng các thứ thiết yếu để phụng sự thần, các nhạc công, ca sĩ… và việc thờ phụng được phục hồi như trước…”.
Văn khắc C 89, lập vào năm 1088/1089, tìm thấy ở nhóm tháp D, cũng nói đến việc trùng tu đền tháp. “Bấy giờ nước Champa bị tàn phá. Nhà vua Jaya Indravarmandeva đã tái thiết hoàn toàn cho đến khi đất nước đẹp đẽ như xưa.
Nhà vua cho xây dựng một đền thờ cho thần Indralokeśvara ở Tranuk(?), cúng dường nhiều của cải. Nhà vua hiến tặng các kośa bằng vàng và bạc, cùng nhiều vật dụng để phụng sự chư thần ở các đền tháp. Tất cả đền tháp của chư thần trở lại phồn thịnh, đẹp đẽ và tôn nghiêm như trước…”.
Văn khắc C 100, lập năm 1157/1158, tìm thấy ở nhóm tháp G, chép về công tích của vị vua có tên hiệu là Harivarman (cùng tên hiệu với vị vua ở văn khắc C 94). “Theo một lời ước nguyện, nhà vua sau khi đã đánh thắng “kamvos ca yavana” (Campuchia và Đại Việt), đã xây dựng lại ngôi đền của thần Siva bị phá hủy… Trong thời kỳ trị vì của nhà vua, tất cả các vị thần và dân chúng đều trở nên phồn thịnh, xứ sở Champa như trở lại kỷ nguyên rực rỡ …”.
Mối liên kết từ văn khắc đến hiện vật
Các nhà khảo cổ và trùng tu ở thế kỷ 20 tìm thấy các chi tiết kiến trúc gãy vỡ bên trong một số tường tháp, là chứng tích của việc những người thợ Champa đã sử dụng lại vật liệu của kiến trúc cũ bị đổ nát trước đó.
Các vật dụng và tượng thờ bên trong đền tháp cũng bị hủy hoại, chôn vùi hoặc chìm nổi theo dòng chảy lịch sử, cả ngàn năm sau mới lại lộ diện. Năm 2012, một cơn mưa diệu kỳ đã làm lộ ra ở nhóm tháp E một ngẫu tượng linga hoàn mỹ mà những cuộc khảo sát, điều tra tỉ mỉ của các chuyên gia khảo cổ hơn 100 năm qua không hề phát hiện.
Đây là linga có hình dạng tiêu biểu với ba đoạn hình khối vuông, bát giác, tròn và đặc biệt có chạm nổi đầu thần Siva vươn ra ở đoạn trên của linga, thể hiện đúng như câu chuyện về sự tích linga trong kinh truyện Hindu giáo.
Xét về phong cách và chất liệu đá, ngẫu tượng linga này được xác định niên đại thế kỷ 8, cùng thời kỳ với Đài thờ bên trong lòng tháp E1 và được xếp hạng là Bảo vật quốc gia.
Vào năm 1997, một chiếc máy rà phế liệu tình cờ phát hiện sóng âm của một đầu tượng Siva bằng vàng chôn vùi trong khu vườn ở thôn Phú Long, xã Đại Thắng (Đại Lộc), nằm ở bờ bắc sông Thu Bồn, đối xứng với vị trí Đất thiêng Mỹ Sơn ở bờ nam.
Hình dạng của đầu tượng Siva cho thấy đây là một phần của chiếc kośa, một kiểu mũ bọc quanh phần đầu của ngẫu tượng linga, được các vị vua Champa dâng cúng cho thần Siva, có nhắc đến trong nhiều văn khắc tại Mỹ Sơn; hiện vật cũng đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia.
Và mới đây (2023), một tượng thần Durgā (Umā/Parvatī) bằng đồng được các cơ quan an ninh và ngoại giao Hoa Kỳ và Anh quốc chuyển trả cho Việt Nam, với thông tin được xác định trong hồ sơ là hiện vật có nguồn gốc phát hiện và vận chuyển trái phép từ khu vực Mỹ Sơn.
Những đền tháp được trùng tu, những vật thờ tự quay về, thoạt nghe như câu chuyện tình cờ, nhưng trong đó có âm vang từ những tấm lòng, những con chữ trên bia đá tự ngàn xưa.