Ranh giới Điện Bàn xưa

LÊ THÍ 23/10/2022 07:33

Nhiều tư liệu cũ cho thấy Điện Bàn từng có tên Đà Bàn, là một huyện của phủ Triệu Phong thuộc châu Hóa.

Dấu tích của Thành tỉnh Quảng Nam chỉ còn 3 tấm văn bia ở phía trước Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: T.M
Dấu tích của Thành tỉnh Quảng Nam chỉ còn 3 tấm văn bia ở phía trước Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: T.M

Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã nâng Điện Bàn lên thành phủ và nhập vào dinh Quảng Nam. Một điều ít người nghĩ tới là thời trước năm 1802, ranh giới của Điện Bàn có thể kéo dài đến tận… Quảng Ngãi ngày nay.

Điện Bàn xưa không chỉ đến sông Thu Bồn

Lâu nay các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng lãnh thổ của huyện (phủ) Điện Bàn trước đây luôn nằm ở phía bắc sông Thu Bồn. Nguyễn Phước Tương viết trong “Xứ Quảng: Vùng đất & Con người” (NXB Hồng Đức, năm 2012): “Sau khi sáp nhập châu Ô và châu Lý vào lãnh thổ Đại Việt vào năm 1307, vua Trần Anh Tông đã đặt tên mới là Thuận Châu và Hóa Châu.

Ngày ấy, Hóa Châu là vùng đất bao gồm từ địa vực tỉnh Thừa Thiên  Huế, TP.Đà Nẵng và phía bắc tỉnh Quảng Nam cho đến sông Thu Bồn ngày nay, mà trong đó phần đất từ phía nam đèo Hải Vân được người Chiêm gọi là Đại Chiếm” (trang 235). Một số nhà nghiên cứu khác không đồng tình với nhận định này thì cũng chỉ dời cột mốc về phía nam thêm vài ba cây số nữa, đến tận sông Bà Rén mà thôi. Đây là vùng đất mà lâu nay chúng ta vẫn đinh ninh là “tiền thân”của phủ Điện Bàn rồi thị xã Điện Bàn sau này.

Nói như thế chỉ đúng với thời kỳ nhà Nguyễn (1802 - 1945). Trước đó, dưới thời các chúa Nguyễn, lãnh thổ Điện Bàn kéo dài từ đèo Hải Vân đến rất xa về phía nam. Điều này thể hiện rõ trong nhiều tư liệu cũ.

Trong tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, viết năm 1555 thì huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong có 66 làng. Trong đó ta tìm thấy nhiều tên làng nằm ở phía nam sông Thu Bồn, đặc biệt có ba làng Thọ Khương, Địch Khương, Phú Khương - được Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phát trong sách “Dương Văn An, Ô châu cận lục tân dịch và hiệu chú” (Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính và dịch chú, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001) cho rằng thuộc huyện Quế Sơn.

Tuy nhiên trong tác phẩm đã dẫn, hai ông không cho biết ba xã trên thuộc địa phương cụ thể nào ngày nay như một số làng xã khác. Có lẽ hai tác giả này không nắm được cụ thể nên chỉ ước đoán thôi.

Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi cho rằng Địch Khương chính là làng Địch Thái nay thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình (giáp giới với Tam Kỳ). Trong bài “Mấy nét Địch Thái xưa”, trên báo Quảng Nam ngày 1/3/2020, tác giả Phú Bình cho biết: “Gian giữa đình làng Địch Thái có bàn thờ chính thờ Tiền hiền với cặp câu đối được cho là chép lại từ xưa: “Tiền nhân công đức sáng lập bổn hương Địch Khương cựu/ Hậu thế kế thừa chấn hưng chính xã Địch Thái tân”. Qua đó, có thể biết tên xưa của Địch Thái vào thời các chúa Nguyễn là Địch Khương, đến đầu thời Gia Long phải đổi thành Địch Thái do kỵ húy”.

Còn Phú Khương sau đổi thành làng Phú Hưng rồi Kỳ Hưng nay thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành và Thọ Khương có thể là làng Thọ Khương nay thuộc xã Tam Hiệp, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành.

Điện Bàn xưa kéo dài đến Quảng Ngãi

“Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776 càng làm rõ thêm. Theo tác phẩm này thì: “Nay cứ danh hiệu phủ, huyện, tổng, thuộc, xã, thôn, phường, giáp, ấp, châu của họ Nguyễn chia đặt ở hai xứ Thuận, Quảng chép đủ ra như sau này: “… Xứ Quảng Nam 2 phủ 11 huyện. Phủ Điện Bàn 5 huyện cộng 197 trang 19 thôn 7 giáp 205 phường, 86 châu. Huyện Hòa Vang 3 tổng: Lệ Sơn, Hà Khúc, Lỗ Giản. Huyện An Nông 2 tổng: An Sơn, Phiếm Ái. Huyện Diên Khánh 2 tổng: Uất Lũy, Mông Lĩnh” (trang 72).

Đối với hai huyện Hòa Vang và An Nông thì không có gì đặc biệt nhưng huyện Diên Khánh lại có nhiều điều lạ. Đó là, trong hai tổng của huyện Diên Khánh (đổi tên thành Diên Phước vào năm 1822) là Uất Lũy và Mông Lĩnh thì địa vực của tổng Mông Lĩnh lại kéo dài rất xa về phía nam.

Tổng Mông Lĩnh (của huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn) có 27 xã, 5 thôn, 1 ty, 5 phường, 3 man, chúng ta thấy có một số xã vào thời điểm đó (1775) lại nằm trong địa phận của các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành ngày nay.

Cụ thể, thuộc huyện Duy Xuyên có các xã: Vân Quật, Chiêm Sơn (Duy Sơn ngày nay), Thi Lại (Duy Nghĩa); thuộc huyện Quế Sơn có các xã: Mông Lĩnh, Mông Nghệ, Trà Đình (Quế Phú); thuộc huyện Thăng Bình có các xã: Tiên Đóa (Bình Triều), Liễu Trì, Thanh Ly (Bình Nguyên), Tuân Nghĩa (Bình Tú), Kế Xuyên (Bình Trung), Trà Đóa (Bình Sa), Lạc Câu (Bình Dương), Tuân Dưỡng, Địch Khang (Bình An); thuộc  Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành có: Tân An phường (Tam Thăng), Phú Quý (Tam Phú),  Phú Khang (Tam Xuân I)…

Điều này hoàn toàn có lý khi ta đọc một đoạn khác trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn cho rằng Điện Bàn tiếp giáp với Quảng Ngãi. Đó là khi trình bày về các nhà trạm của hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, Lê Quý Đôn viết: “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam.... từ Bến Ván qua quán Thạch Xôi (toàn là cát và bụi rậm, lại giáp núi rừng) đến Quán Ốc (cũng đều cát và bụi rậm) là chỗ hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn giáp giới với phủ Quảng Ngãi...” (trang 122).

Hai tài liệu cổ này đều cho thấy lãnh thổ của huyện Điện Bàn thời các chúa Nguyễn kéo dài từ Hải Vân đến tận phía nam của Tam Kỳ ngày nay. Nếu không quá dè dặt ta có thể nghĩ đến một địa danh xa hơn là… Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Sự dè dặt của chúng ta sẽ bớt đi nhiều khi ta tham khảo một tài liệu quan trọng khác, đó là “Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc Phổ chí”, một bản gia phả được viết vào năm Gia Long thứ 4 (1806). Bản Phổ chí này được ghi lại từ những tài liệu của gia tộc từ trước để lại.

Trong bản Phổ chí có đoạn ghi: “Vãn Trần Trùng Quang nhị niên, thổ dân tiến hóa ước dĩ thái bán, công thân thỉnh phân Hóa Châu tự Ải Vân Trà Ngâm động (kim Câu Đê xã) dĩ nam chí Trà Khúc động (kim Tư Nghĩa phủ) lập nhứt Đà Bàn huyện (chỉ cải Điện Bàn huyện địa, kim quát tận Quảng Nam dinh tứ chí)”.

Dịch là: “Đến năm thứ 2 niên hiệu Trần Trùng Quang, dân địa phương đã tiến hóa nhiều, ông đích thân xin vua chia phần đất Hóa Châu từ động Trà Ngâm - Ải Vân (nay là làng Câu Đê) phía nam đến động Trà Khúc (nay là phủ Tư Nghĩa) làm thành một huyện Đà Bàn (chỉ của vua sửa lại là đất huyện Điện Bàn), nay bao quát cả bốn phía của dinh Quảng Nam” (Theo Võ Văn Thắng, Một bản Phổ chí nói về quan hệ Việt - Chăm, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số ngày 1/11/2018).

Việc xác định địa vực của Điện Bàn qua các thời kỳ sẽ giúp chúng ta lý giải nhiều vấn đề lịch sử mà hiện nay còn vướng mắc, tranh cãi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ranh giới Điện Bàn xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO