Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ (kỳ cuối)

PHÚ BÌNH 11/01/2023 15:37

Kỳ cuối: Hai dấu tích văn hóa cần được bảo vệ

Căn cứ những thông tin từ các bài báo Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ, nhận thấy đang có những suy diễn quá đà, có thể dẫn đến việc làm tổn hại các ngôi mộ nói trên ở Tam Kỳ, chúng tôi thấy cần thiết phải mô tả lại một lần nữa hiện trạng các ngôi “mộ giày Thầy Lánh” (ở phường Hòa Hương) và “song mộ ông bà Huỳnh Hoàn Nhân” (ở phường An Sơn) đã từng mô tả trong bài “Những ngôi mộ cổ bí ẩn ở Tam Kỳ” đăng trên báo Quảng Nam cuối tuần ngày 14/10/2017 -  Những ngôi mộ cổ bí ẩn ở Tam Kỳ

Mộ Giày Thầy Lánh:

Ngôi mộ này ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, cách mộ các Thủy tổ và tiền hiền tộc Trần xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông xưa khoảng 80m - ngay phía trước. Mặt trong hậu đầu có tạc bài minh chữ Nho, nhiều chữ bị mất, bị mòn, đa số không còn nhận ra mặt chữ. Ở giữa cửa mộ có tấm bình phong rồi đến nhà bia dựng sát chân mộ.

 
Mộ Giày Thầy Lánh ở làng Hương Trà. 

Tấm bia ghi: “Thượng đại Bích Nhãn Nguyễn Đức Lánh tôn sư thần mộ”, tạm dịch: “Đây là mộ linh của ngài Nguyễn Đức Lánh, thuộc đời bên trên, có hiệu là Bích Nhãn tôn sư”, và ghi tên người dựng bia là: “Diêm Điền xã Nguyễn Văn Phúng tịnh bổn tộc đồng phụng lập”, tạm dịch: “Nguyễn Văn Phúng cùng các con cháu trong tộc Nguyễn ở làng Diêm Điền cùng dựng bia để thờ”.

Diêm Điền là tên một làng thuộc tổng An Hòa, huyện Hà Đông xưa (về sau thuộc thôn 4, sau đổi là Bản Long - nay là thôn Long Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Làng này có tộc Nguyễn Văn. Hậu duệ tộc này xác nhận Thầy Lánh là nhân vật có thật và là Tằng tổ đời thứ sáu với tính danh ghi trong gia phả của tộc là “Thượng tằng tổ Bích Nhãn tôn sư Nguyễn Đức Thêm tiên sinh”.

Hậu duệ thắp hương trước mộ thầy Lánh (trong ảnh là anh Nguyễn Văn Nhiều - hậu duệ đời thứ 6). Ảnh: L.Đ.C
Hậu duệ thắp hương trước mộ thầy Lánh (trong ảnh là ông Nguyễn Văn Nhiều - hậu duệ đời thứ 6). Ảnh: L.Đ.C

Ông Nguyễn Văn Nhiều (SN 1971 - cháu trực hệ 6 đời của Thầy Lánh ở thôn Long Thành xã Tam Tiến) cho biết: Hàng năm gia tộc họ Nguyễn - làng Diêm Điền ở Tam Tiến thường xuyên lên giẫy mả (ngày 12 âm tháng Tám giẫy và cúng trước mộ; ngày 13 tháng Tám làm lễ chạp mả tại tộc họ ở Tam Tiến).

Ngôi mộ này gắn liền với huyền thoại Thầy Lánh - một tội nhân cưỡi rồng đào thoát khỏi sân triều đình, qua ấp Hương Trà, đánh rơi chiếc giày và được dân địa phương lập mộ cho “chiếc giày” này - Chưa rõ vì sao có huyền thoại này trong khi gia tộc xác nhận đó là mộ thật của tằng tổ họ? Có thể đây là cách dân địa phương và gia tộc đồng lòng giữ bí mật nơi chôn cất một tội nhân của chính quyền nhà Nguyễn bằng cách khoác lên một màu huyền bí!

Truyền thuyết về Thầy Lánh ở vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa, hiện còn lưu hành rất nhiều. Đa số đều ca ngợi tài “cứu khốn phò nguy”, “lấy của người giàu giúp người nghèo” của “ngài Bích nhãn Tôn sư” được xưng tụng là người có nhiều quyền phép linh ứng này.

Mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân:

Mộ nằm ở khối phố 8 phường An Sơn, TP.Tam Kỳ. Mộ có tấm bia trước chân nấm ghi như sau: “Đại Nam - Hiển khảo: Giang Hạ quận, Đệ Tam lang. Tự viết: Huỳnh Hoàn Nhân chi mộ”, dịch: “Đây là mộ Cha tôi, con trai thứ Ba của ông Nội tôi, người họ Huỳnh, có tên tự là Huỳnh Hoàn Nhân” (Giang Hạ quận: chỉ họ Huỳnh - NV).

Dòng bên hữu ghi: “Tuế thứ Canh Tuất, Trọng xuân, Hạ hoán”, dịch: “bia này dựng vào năm Canh Tuất - 1850, tháng 2, vào tuần hạ hoán”. Biết được Canh Tuất ứng với năm 1850 vì chỉ có bia mộ từ giữa thời Minh Mệnh (1820 - 1840) trở về sau mới ghi hiệu Đại Nam; còn tuần “hạ hoán” chỉ thời gian mười ngày từ ngày 20 đến cuối tháng âm lịch.

Người dựng bia được ghi trong mộ là “Hiếu tử Văn Dục lập thạch” (Con trai hiếu, tên Văn Dục, khắc và dựng bia).

Trên đầu ngôi mộ này có bài minh gồm 20 câu (mỗi câu 4 chữ); chữ nghĩa rất mượt mà, văn chương. Có nhiều câu chỉ ra người nằm trong mộ là đàn ông: “Phu phụ chi gian/ Thuần nhi dĩ dã/ Phụ tử chi tế/ Từ nhi dĩ yên/ Trị gia hữu pháp…”, dịch: “Chồng vợ cư xử với nhau/ Thuận hòa hết mức/ Tình cha với con/ Hết mực từ tâm/ Xử trị việc gia đình có phép tắc”.

Mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân (người trước mộ là ông Nguyễn Thu - nhà ở gần khuôn viên mộ)
Mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân (người trước mộ là ông Nguyễn Thu - nhà ở gần khuôn viên mộ)

Cạnh mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân là mộ bà vợ có bia dòng chính ghi: “Đại Nam - Cố Hiển tỉ - Kỳ lão Huỳnh công Nguyên phối - Phan thị chi mộ”, dịch: “Đây là mộ mẹ đã khuất của chúng tôi. Bà họ Phan, là vợ cả của cha tôi là Kỳ lão họ Huỳnh”. Thời điểm dựng bia ghi: “Tuế tại Bính Thìn, Trọng thu nguyệt, Hạ hoán”, dịch: “Bia dựng năm Bính Thìn - 1856 vào các ngày hạ hoán tháng 8 âm lịch”. Tên người dựng bia ghi: “Hiếu tử: Văn Dục, Văn Lập đồng lập thạch” (Các con Văn Dục, Văn Lập cùng khắc và dựng bia).

Bài minh trên đầu mộ bà vợ gồm 16 câu - mỗi câu 4 chữ, trong đó cho biết bà này là người rất giàu “tiền như nước, của như núi” (Tiền hải kim sơn); có tuổi thọ cao đến hàng bảy mươi (Thất trật hưởng thọ); trọn vẹn đạo làm vợ, dạy con yên ổn mọi bề (Toàn nhi phụ chi, đạo tử dĩ an).

Trên đầu mộ bà họ Phan có tấm đá lớn (đã gãy đôi) chạm nổi các họa tiết diềm hoa văn, lư trầm tỏa khói, bình đựng hương và bình đựng trầm với nét khắc rất đẹp và thanh nhã.

Cả hai bài minh trên mộ ông bà Huỳnh Hoàn Nhân đều ghi do cùng một người viết: “Hà Đông Tam Kỳ sĩ Trần Hòa Phủ cẩn soạn” (Nho sĩ ở xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông là ông họ Trần biệt hiệu Hòa Phủ kính cẩn soạn bài minh này). Văn chương trong hai bài minh đáng được ghi nhận như là hai tác phẩm văn học viết của nho sĩ đất Hà Đông - Tam Kỳ xưa.

Thay lời kết:

Hai ngôi mộ ở Hòa Hương (dấu tích văn học dân gian) và An Sơn (dấu tích văn học viết) rất đáng được bảo vệ. Vì đây là những dấu tích thể hiện nhiều nét văn hóa của vùng Tam Kỳ xưa. Những suy đoán không có cơ sở hoặc dựa vào những chứng cớ huyền hoặc để thay đổi nhân thân người nằm trong hai ngôi mộ này là điều không được làm!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ (kỳ cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO