Bằng các chương trình hỗ trợ từ đơn vị kết nghĩa, huyện Nam Giang nhận được nguồn lực đáng kể cho mục tiêu phát triển kinh tế, xóa nhà tạm... góp phần thúc đẩy an sinh xã hội vùng cao.
Nhà mới cho người nghèo
Sau gần một năm về ở ngôi nhà mới, gia đình già A Viết A Veng (ở thôn Cà Lai, xã Cà Dy) rất phấn khởi. Là bởi, sau nhiều năm sinh sống trong ngôi nhà chật chội, cuối cùng, gia đình già A Veng cũng thoát khỏi cảnh “mưa dột, nắng hầm”, an tâm hơn khi mùa mưa bão tới.
Ngôi nhà được xây dựng trên nền đất cũ của gia đình, đảm bảo các điều kiện phòng chống thiên tai. Già A Veng nói, thời gian xây nhà cũng nhận được sự hỗ trợ đóng góp công sức của người dân trong làng nên giảm bớt chi phí đối ứng.
“Nhà tôi nhiều năm nay đều rất khó khăn, thiếu thốn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước chắc không thể xây dựng ngôi nhà mới được như bây giờ” - già A Veng chia sẻ.
Già A Viết A Veng chỉ là một trong số hộ dân khó khăn ở Nam Giang được hỗ trợ nhà ở từ nguồn lực xã hội hóa, thông qua công tác kết nghĩa giữa địa phương với các đơn vị, sở ngành theo Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi, biên giới đất liền.
Thực hiện chủ trương này, giai đoạn 2021 - 2023, Nam Giang có 11 xã được kết nghĩa với 23 đơn vị, địa phương trong tỉnh; qua đó đón nhận rất nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực từ đơn vị kết nghĩa.
Qua 3 năm (2021 - 2023) thực hiện công tác kết nghĩa, Nam Giang nhận được tổng kinh phí hỗ trợ gần 16,4 tỷ đồng. Từ kinh phí này, bên cạnh hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh, địa phương dành phần lớn nguồn lực hỗ trợ 33 ngôi nhà mới cho các hộ dân khó khăn, phụ nữ các xã biên giới, góp phần xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn huyện.
Ông Tơ Ngôl Dứch - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Giang cho biết, đến nay, có 33 ngôi nhà tình nghĩa được hoàn thiện và bàn giao sử dụng từ nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, góp phần thúc đẩy ổn định nhà ở cho người dân khó khăn trên địa bàn huyện.
Các hộ dân được chọn để xây nhà mới đều nằm diện nghèo khó, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, các gia đình chính sách, neo đơn, không nơi nương tựa…
“Bằng nguồn lực kết nghĩa này, giúp người dân có thêm điều kiện ổn định và giải quyết nhu cầu về nhà ở, từng bước vươn lên trong cuộc sống” - ông Tơ Ngôl Dứch nói.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Đánh giá kết quả công tác kết nghĩa giữa huyện Nam Giang với các đơn vị, sở ngành của tỉnh cho thấy, bên cạnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, trao quà động viên đơn thuần, nhiều địa phương mở rộng kết nối, tìm hiểu nhu cầu cần thiết của đơn vị kết nghĩa, nhất là các hộ dân khó khăn. Từ đó, có sự điều chỉnh nội dung, hình thức hằng năm phù hợp, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng địa phương.
Ngoài dành lớn kinh phí xây dựng nhà ở theo chủ trương xóa nhà tạm, hằng năm, nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa được Nam Giang linh hoạt hỗ trợ giúp các hộ dân có thêm điều kiện phát triển sinh kế.
Cụ thể, là các mô hình chăn nuôi heo đen tập trung, phát triển dược liệu gắn với trồng rừng, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân khó khăn, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, công tác kết nghĩa trên địa bàn huyện thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ của các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh.
Bằng tinh thần gắn kết chặt chẽ, sự linh hoạt về nội dung và hình thức, giúp địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đến với người dân.
“Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng, đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện tiếp tục được cải thiện, ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương” - ông Ngọ nói.
Để công tác kết nghĩa ngày càng đi vào thực chất, cùng với tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hỗ trợ, Nam Giang đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác phối hợp, gắn công tác kết nghĩa với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, các bên thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ việc rà soát nhu cầu cần hỗ trợ một cách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và người dân, cũng như khả năng, tiềm lực thực hiện hoạt động kết nghĩa của mình.
Công tác kết nghĩa dần hạn chế việc trao tặng quà, hỗ trợ chỉ mang tính ngắn hạn không tạo được điều kiện, động lực ý chí để bà con vươn lên thoát nghèo…