Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) sau 5 năm triển khai tại Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nền tảng phát triển bền vững
Dự án BR được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và triển khai từ năm 2019 - 2024 tại Hà Nội và 3 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An.
Tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, dự án BR đã triển khai đánh giá hiện trạng và lập bản đồ về tài nguyên đa dạng sinh học, xác định khu vực có giá trị bảo tồn cao (HCVF/KBA), hành lang đa dạng sinh học, khu vực bị suy thoái.
Từ đó, dự án đã hỗ trợ xây dựng Kế hoạch sử dụng bền vững tài nguyên tại các khu vực dành riêng của khu dự trữ sinh quyển, trong đó 3 xã được xác định ưu tiên gồm: Tân Hiệp, Cẩm Thanh và Cẩm Kim để lập kế hoạch bảo tồn cấp xã.
Tại xã Tân Hiệp, dự án BR đã hỗ trợ thiết lập 1 vườn ươm cây bản địa, với diện tích 300m2 để gieo ươm 5.000 cây bản địa (thanh thất, gụ lau, ngô đồng, sến trung, mù u) ở khu vực Bãi Hương. Đồng thời tổ chức đợt trồng phục hồi rừng lấy giống từ vườn ươm với diện tích trồng phục hồi là 5,13ha tại khu vực từ Bãi Hương đến địa điểm cây đa di sản ở phía đông đảo Hòn Lao.
Ban triển khai dự án BR đã phối hợp các bên liên quan tiến hành các đợt khảo sát, đánh giá toàn bộ 35 homestay tại Cù Lao Chàm theo các tiêu chí được xác định.
Đến nay, đã có 5 homestay được cấp chứng nhận ở mức độ 2 nhánh hoa ngô, gồm: Cái Võng, Trang Vũ, Mai Trường, Lâu Thu, Hai Long. Dự kiến trong tháng 12/2024, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét để đề nghị cấp chứng nhận cho 5 homestay khác.
Điểm nhấn đáng chú ý là vai trò của nữ giới tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói riêng và các địa phương ven biển nói chung là khá tích cực. Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ nữ giới tham gia trong các hoạt động truyền thông, tập huấn kỹ thuật, sinh kế… khá cao (57,2%), cao hơn so với chỉ tiêu đề ra của dự án BR (tối thiểu 50%).
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thông tin, đến nay Ban triển khai dự án BR tại Quảng Nam đã triển khai và hoàn thành cơ bản các nội dung, hoạt động. Tính đến ngày 20/11/2024, đã hoàn thành được hơn 80% các chỉ số đầu ra, chỉ tiêu đánh giá theo văn kiện dự án BR. Dự kiến đến hết năm 2024, sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại.
Mở sinh kế cho cộng đồng
Trong 2 năm 2023 và 2024, Ban triển khai dự án BR đã phối hợp Hội LHPN TP.Hội An triển khai thực hiện dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” trong khuôn khổ chương trình tài trợ nhỏ (LVGs) tại 2 xã Cẩm Kim và Cẩm Thanh.
Kết quả, đến nay đã thành lập, hỗ trợ và duy trì hoạt động của 5 hợp tác xã và tổ hợp tác du lịch - nông nghiệp ở xã Cẩm Kim và Cẩm Thanh. Từ đó, các tour du lịch học tập cộng đồng được triển khai thí điểm trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, tổ chức giáo dục, công ty du lịch, lữ hành.
Đến nay, đã có khoảng 40 đoàn với tổng số hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Cẩm Kim và hơn 70 đoàn với tổng số khoảng 3.000 lượt khách đến Cẩm Thanh.
Cạnh đó, dự án đã thành lập và vận hành 2 quỹ tài chính quay vòng tại 2 xã này nhằm mục đích hỗ trợ vốn đầu tư cho các hộ gia đình tham gia thực hiện các mô hình của dự án, đồng thời làm tăng tính bền vững của các mô hình sau khi dự án kết thúc. Trong đó, quỹ tài chính tại Cẩm Kim với kinh phí 300 triệu đồng đồng hỗ trợ cho 17 hộ, tại Cẩm Thanh là 360 triệu đồng cho 18 hộ.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu cho rằng, khi các sản phẩm du lịch có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là có cộng đồng chung tay phát triển thì sản phẩm mới bền vững.
Tuy nhiên, cộng đồng khó có điều kiện để làm việc với rất nhiều bên, nên rất cần chính quyền địa phương tiếp tục điều phối, hỗ trợ sau khi dự án của chúng tôi kết thúc (vào cuối năm 2024) để các điểm đến này được duy trì, qua đó phát triển sinh kế bền vững cho người dân.