Số lượng động thực vật sụt giảm; môi trường, sinh cảnh bị ảnh hưởng… là những thách thức trong việc bảo tồn đa dang sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Nguy cơ suy giảm loài
Số lượng cua đá khu vực Hòn Dài sụt giảm khoảng 50% kể từ khi việc thiết lập ngân hàng cua đá nơi đây kết thúc. Thực tế trên được ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin khi đề cập đến những thách thức trong việc quản lý, bảo vệ loài động vật đặc hữu này tại Cù Lao Chàm.
Theo ông Vũ, bên cạnh buông lỏng công tác quản lý trong thời gian dài thì việc chuyển đổi mô hình quản lý từ cộng đồng sang HTX cũng là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng không bám được các mục tiêu dẫn đến chệch hướng, xuất hiện tình trạng đánh bắt trái phép.
Đây chỉ là một dẫn chứng về những thách thức trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà khu dự trữ sinh quyển đang đối diện sau 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy, hai thách thức lớn nhất đối với sự đa dạng sinh học Cù Lao Chàm chủ yếu đến từ con người và tác động của thiên nhiên.
Trong đó quá trình phát triển du lịch nhanh, việc sử dụng các sản phẩm du lịch không thân thiện môi trường hay hoạt động xây dựng, đô thị hóa trên đảo đã tác động lớn đến mối liên kết giữa rừng và biển mà sự sụt giảm số lượng cua đá là biểu hiện rõ nét.
Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, đa dạng sinh học Cù Lao Chàm biểu hiện trên rừng và dưới biển.
Nếu những tác động trên rừng có thể nhìn thấy và kiểm soát được thì phần dưới nước ít có thể tiếp cận về mức độ tác động lớn hay nhỏ, nhất là tình trạng nước đục xuất hiện quanh đảo trong mùa mưa bão.
Qua giám sát các khu vực có rạn san hô cũng như khu vực có nguy cơ tích tụ trầm tích đã phát hiện sự lắng đọng trầm tích trong rạn san hô diễn ra rất nhiều, tác động nhạy cảm đến một số loài sinh vật.
“Sinh cảnh một số loài động thực vật đang bị tác động về môi trường sinh sống và phân cấp về môi trường sinh thái. Trong đó, sự xuất hiện những công trình trên rừng đã khiến nguồn thức ăn bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn là biến đổi khí hậu, những tác động từ phía thượng nguồn về lưu vực, nhất là trong mùa mưa bão đã ảnh hưởng đến san hô (một loài sinh cảnh quan trọng nhất của khu bảo tồn sinh quyển).
Trong trường hợp này nếu không trả lại môi trường theo tính chất của nó, san hô sẽ bị chết hoàn toàn, nếu trầm tích lắng trên rạn san hô một thời gian sẽ xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô…” - ông Thảo dẫn chứng.
Gìn giữ đa dạng sinh học
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích 33.475ha, được phân thành 3 phân vùng chức năng gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
Với vị trí nằm phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong đó, riêng Cù Lao Chàm đã có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tài nguyên và các giá trị nổi trội của khu sinh quyển cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Quá trình đô thị hóa và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội diễn ra mạnh mẽ đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học...
Tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức hoặc bất hợp pháp bằng công cụ hủy diệt (giả cào, xung điện, chất nổ...) gây nguy giảm số lượng loài.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, thành phố đã nhìn thấy những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gây tác động nhất định đến hệ sinh thái rừng và biển khu sinh quyển.
Do đó, phải tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp quản lý, hoạt động, khai thác đối với các loài sinh vật ở trong vùng lõi khu sinh quyển nhằm giảm thiểu sự quá tải hoặc ngưỡng mất cân bằng trong quá trình khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên khu vực vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển.
Để đảm bảo mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch quản lý trong giai đoạn 2024 - 2030. Đặc biệt, trình UBND tỉnh xem xét thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm dựa trên cơ sở củng cố, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Theo đó, các vấn đề về quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, giữ rừng đối với rừng đặc dụng Cù Lao Chàm sẽ được giao cho đơn vị này. Cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái tạo những khu vực có rạn san hô suy giảm, xúc tiến, hợp tác, kêu gọi tìm hiểu để có một giải pháp về mặt khoa học phù hợp cũng như nguồn lực để gìn giữ và phục hồi thảm cỏ biển.
Đây là hệ sinh thái rất quan trọng đóng vai trò vùng sinh sản, cư trú của rất nhiều loài thủy sản, hạn chế khai thác đối với loài tôm hùm trong mùa sinh sản khu vực vùng lõi bảo tồn; tuyệt đối nghiêm cấp khai thác trong khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học cho khu dự trữ hiệu quả, bền vững…