(QNO) - Sáng nay 27.9, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III - năm 2019 chính thức khai mạc. Dự đại hội có bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; đại biểu tỉnh Sê Kông (Lào) và 245 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 139 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh.
Thắt chặt mối đại đoàn kết
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, nhờ tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; tập hợp, đoàn kết, giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… nên khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được giữ vững.
“Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bà con đã phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn miền núi… góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh giảm còn 25,38%, giảm 15,47% so với năm 2015 (40,85%); hộ cận nghèo còn 4,84%” - ông Hùng thông tin.
Không chỉ tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng tình đoàn kết nhân dân các dân tộc Việt - Lào được các địa phương đặc biệt chú trọng. Ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của địa phương, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang luôn chú trọng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai huyện Nam Giang và Đắc Chưng (Lào), tổ chức nhiều sự kiện hoạt động lớn có ý nghĩa và tầm quan trọng, nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị, an ninh biên giới.
“Nam Giang thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân; đồng thời xây dựng lòng tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực xây dựng các phong trào. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp với lực lượng công an, quân sự, biên phòng và lực lượng dân quân các xã biên giới trong công tác tuần tra, truy quét, xử lý, giải quyết các vụ việc mới phát sinh kịp thời, nhanh chóng và có hiệu quả. Giữa các dân tộc và các họ tộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết truyền thống bền chặt lâu đời, luôn sống hòa hiếu, trên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, trong lao động sản xuất, trong bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - ông Nhiên nhấn mạnh.
Nhiều chuyển biến lớn
Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III - năm 2019; đồng thời bầu 12 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cũng trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 5 tập thể, 10 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 3 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc tỉnh thời gian qua.
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, nhờ sự phối hợp đồng bộ, tranh thủ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua Quảng Nam đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
“Việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; tập trung chăm lo GD-ĐT, tăng cường chăm sóc sức khỏe, từ đó đã từng bước nâng cao mức sống tinh thần và vật chất cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển, củng cố, ổn định vững chắc an ninh chính trị, giữ vững khối đoàn kết các dân tộc. Trình độ, năng lực, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là xã, thôn được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ được giao. Nhận thức của người dân có những thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” - bà Thủy nhận xét.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - năm 2014 đến nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, phấn đấu không ngừng, đạt nhiều kết quả trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đặc biệt là trong công tác dân tộc, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
“Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng để bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến mục tiêu cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần; tạo cơ hội để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy dân chủ ở cơ sở, phát hiện, giải quyết kịp thời, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề đặt ra đối với đồng bào các dân tộc thiểu số” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể các cấp của tỉnh trong việc thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua.
“Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bào luôn đoàn kết có ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, chủ động trong lao động sản xuất và luôn có ý thức vươn lên để thoát nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, Quảng Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó là phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng; đồng thời phải đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh” - bà Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.