(QNO) - Trải qua mấy bận khởi nghiệp chưa thành, không nản chí, chị Bùi Thị Nguyệt (thôn Tây Giang, xã Bình Sa, Thăng Bình) quyết tâm làm lại từ đầu. Năm 2014 - 2015, nhờ học hỏi quy trình sản xuất, chế biến tinh dầu ở Huế, chị Nguyệt bắt tay vào nấu và chiết xuất tinh dầu tràm với 100% từ nguyên liệu cây tràm gió trên vùng cát trắng xứ Quảng. Đến nay sản phẩm dầu tràm "made in xứ Quảng" đang được hoàn thiện để trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2020 này.
Sản phẩm đặc hữu vùng cát
Năm 2013, chị Bùi Thị Nguyệt bắt tay vào xây dựng một cơ sở may mặc gia công nhỏ tại nhà, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhưng chỉ ít lâu, cơ sở của chị không giữ được chân lao động trước sức hút của Khu công nghiệp Tam Thăng. Sản xuất trì trệ, chị Nguyệt thua lỗ cả trăm triệu đồng nên nghỉ nghề may.
Qua giới thiệu, tháng 8.2015, chị Nguyệt ra Huế, tham quan các cơ sở nấu dầu tràm, học cách nấu và chiết xuất dầu. Về quê, chị nhận nấu tinh dầu thô cung ứng cho một cơ sở ở Huế. Chị thuê người thu hái, gom lá tràm tươi lẫn khô vốn có nhiều ở vùng cát ven biển Thăng Bình, Duy Xuyên với giá 3 - 5 nghìn đồng/kg. Lá tràm ở vùng cát ven biển cho chất lượng tinh dầu đạt hơn, tốt hơn, có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu quyết định.
Thế nhưng mỗi lít dầu tràm chỉ được một cơ sở Huế mua với giá 700 - 800 nghìn đồng. Vì vậy chị Nguyệt phải tìm thị trường ổn định hơn cho sản phẩm. Nhờ sản phẩm nguyên chất, không pha trộn, uy tín nên thị trường khá chuộng. "Đến nay tôi đã xây dựng được một mạng lưới đại lý bán hàng trên mạng xã hội, cửa hàng tinh dầu lớn và chấp nhận lãi ít, chủ yếu lấy số lượng làm lời để mạng lưới của tôi sống tốt. Khách hàng của tôi khắp nơi, từ Đà Nẵng, Huế, vào Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh..." - chị Nguyệt nói.
Hiện tại cơ sở của chị Nguyệt tiêu thụ nửa tấn lá tràm, cho ra 2 lít tinh dầu/ngày, trung bình 60 lít/tháng với nhiều sản phẩm. Trừ chi phí, nhân công, cơ sở chị Nguyệt lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Dầu tràm "made in xứ Quảng" này có tên thương hiệu là "Dầu Tràm Linh Vũ", sản xuất 100% lá tràm gió, một loại thảo dược. Có được ngày hôm nay, chị Nguyệt đã nhận được sự hỗ trợ 50 triệu đồng từ địa phương và 10 triệu đồng của các cấp Hội LHPN huyện Thăng Bình. Hiện, mỗi lọ dầu chai lớn 100ml có giá bán lẻ 150 nghìn đồng, chai trung 50ml giá bán lẻ 75 nghìn đồng, chai nhỏ 30ml giá bán lẻ 65 nghìn đồng...
Xây dựng chuỗi sản phẩm dầu tràm
Chị Nguyệt cho biết, về quy trình sản xuất, lá tràm sau khi thu mua nấu thủ công suốt 8 tiếng đồng hồ, lọc lấy tinh dầu nổi lên bề mặt. Trải qua lọc nhiều lần, thu được tinh dầu nổi lên trên, để nguội, rót vào chai lọ 15ml, 30ml, 50ml, 65ml cho tới 1 lít. Không chỉ sản xuất mặt hàng tinh dầu tràm, chị Nguyệt còn chiết xuất các sản phẩm từ tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu quế, tinh dầu sả, tinh dầu bưởi...
Chị Nguyệt nhận thấy nếu khai thác tràm tự nhiên thì nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu, ảnh hưởng tới sản xuất rất lớn nên chị đã hợp tác trồng được 5ha nguyên liệu tràm gió ở vùng cát Thăng Bình. Cuối năm 2020, diện tích này cho thu hoạch lá sau 1 năm trồng. Sẽ phải cắt lá, bấm ngọn để hạn chế chiều cao, cành nhánh sinh sản mạnh, cho năng suất thu lá cao so với các loại tràm khác. Sau lứa đầu, năm sau, mỗi cây tràm có thể thu được 2 - 3 lứa lá.
Đáng mừng, dầu tràm của chị Nguyệt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; top 100 thương hiệu, sản phẩm dịch vụ nổi tiếng tại Việt Năm năm 2016 do Tạp chí Công thương bình chọn; giấy chứng nhận và cúp “Sản phẩm ưu dùng” trong Chương trình khảo sát “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, sản phẩm ưa dùng” năm 2016 do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo tổ chức.
Năm 2020, sản phẩm dầu tràm Linh Vũ từng bước hoàn thiện để tham gia chương trình OCOP. Chị Nguyệt được Sở KH&CN hỗ trợ xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu. Đây là dòng sản phẩm thiên nhiên, an toàn, sử dụng xoa, xức khi bị côn trùng đốt, cảm gió, xoa bóp, trị nghẹt mũi, cảm gió, rất tốt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai... Cơ sở dầu tràm Linh Vũ đã và đang nỗ lực xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.
Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa (huyện Thăng Bình) thông tin, địa phương định hướng đưa cây tràm gió trồng nhân rộng trên đất cát, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Một số hộ đã trồng thử nghiệm cây tràm gió đã góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng cát.