Đầu tư Cảng cá Tam Quang và xây mới, nâng cấp, cải tạo, mua sắm thiết bị y tế tuyến xã: Chất lượng, hiệu quả đầu tư là tiêu chí hàng đầu

TRỊNH DŨNG 25/09/2023 07:52

HĐND tỉnh đã phê chuẩn điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng cá Tam Quang và dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã. Tuy nhiên, điều công luận quan tâm hơn hết chính là chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiểm tra thực tế tai trạm y tế xã Điện Trung. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiểm tra thực tế tai trạm y tế xã Điện Trung. Ảnh: T.D

Cần thiết và hợp lý

Những cuộc khảo sát Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan về dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã đã nhận ra sự khác biệt giữa thực tế và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt ban đầu.

Theo phân tích, đánh giá quy mô hiện trạng thì có đến 8 trạm y tế vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, công năng sử dụng, không thể đập đi, xây mới, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp sẽ đáp ứng tốt hiệu quả sử dụng.

Sự “sai khác” này buộc UBND tỉnh phải trình HĐND phê chuẩn điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiến hành thực hiện dự án.

Cụ thể, 5 trạm y tế Quế Xuân 2 (Quế Sơn), Bình An, Bình Nguyên, Bình Minh, Bình Hải (Thăng Bình) từ xây mới chuyển sang nâng cấp, cải tạo và 3 trạm y tế thuộc thị xã Điện Bàn (Điện Thọ, Điện Trung, Điện Phong) sẽ chỉ nâng cấp khối nhà 2 tầng cũ, xây mới thêm khối nhà 1 tầng. Một trạm y tế khác là trạm y tế Đại Nghĩa (Đại Lộc), thay vì xây mới 1 tầng như chủ trương được duyệt, chuyển sang đầu tư xây mới 2 tầng chống lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói việc điều chỉnh từ xây dựng mới sang nâng cấp, cải tạo, mở rộng 8 trạm y tế nêu trên nhằm phù hợp hiện trạng công trình, vẫn đảm bảo theo quy định, tránh lãng phí trong đầu tư. Điều chỉnh xây dựng trạm y tế xã Đại Nghĩa từ 1 tầng sang 2 tầng để phù hợp với địa hình vùng lũ.

Khác với điều chỉnh dự án 76 trạm y tế để có thể tiến hành đầu tư, thi công thì việc điều chỉnh dự án Cảng cá Tam Quang từ hơn 121 tỷ đồng lên hơn 130 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ 2017 - 2020 lên 2017 - 2023 chỉ là “động tác kỹ thuật”.

Việc điều chỉnh gộp tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng cá Tam Quang (UBND huyện Núi Thành thực hiện) vào dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Tam Quang (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư) “sửa sai” về sự chậm trễ của việc gộp hai dự án thành một theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói, điều chỉnh thời gian thực hiện là do vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm so dự kiến.

Sự điều chỉnh đến hết năm 2023 để bảo đảm thời gian cho chủ đầu tư triển khai các hạng mục còn lại, thực hiện thủ tục nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình và sử dụng, quyết toán hoàn thành dự án.

Băn khoăn về chất lượng đầu tư và hiệu quả dự án

Việc điều chỉnh dự án Cảng cá Tam Quang không thay đổi bản chất đầu tư của dự án.

Theo ông Nguyễn Hưng, dự án điều chỉnh, bổ sung tăng tổng mức đầu tư từ hơn 121 tỷ đồng lên hơn 130 tỷ đồng do phần vốn tăng thêm là phần kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện Núi Thành thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương, phù hợp nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Phần vốn chưa cân đối thuộc ngân sách tỉnh (hơn 1,7 tỷ đồng) sẽ được bổ sung khi dự án đảm bảo các thủ tục đầu tư theo quy định.

Khó khăn vẫn thuộc về dự án 76 trạm y tế xã. Sự điều chỉnh này không làm tăng tổng mức đầu tư đã được duyệt (gần 197 tỷ đồng), nhưng không ít người phân vân.

Cuộc giám sát của các ban HĐND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải công bố về sự thay đổi, tăng giảm mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc dự án sẽ không đủ thời gian để thực hiện hoàn thành đúng như lệnh của Chính phủ là sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. Vì vậy, tính toán đến chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án là điều cốt lõi hơn.

Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười cho biết dự án chậm đã chậm rồi. Chủ đầu tư cần rà soát công năng sử dụng của từng trạm y tế, để điều chỉnh việc mua sắm trang thiết bị y tế hợp lý. Không thể cảm tính, không phải mua sắm một loại trang thiết bị mà áp dụng cho tất cả trạm y tế như nhau được. Cần xây dựng đúng như thiết kế và mua sắm phù hợp.

Có thể thấy ngay dự án 76 trạm y tế sẽ không thể tiêu hết tiền đã giao được. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến cho rằng không cần phải cố tiêu cho hết tiền mà cần nghĩ đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn.

Ông Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, việc điều chỉnh này không có nghĩa là cố tiêu cho hết tiền. Quảng Nam tiêu không hết thì trả về trung ương để chuyển cho các tỉnh thành khác còn nghèo khó hơn đầu tư. Việc xây dựng phải thực sự hiệu quả, chất lượng để công trình có thể phát huy hết tác dụng.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, chất lượng, hiệu quả sử dụng công trình là tiêu chí hàng đầu. Không phải giữ quan điểm là xài cho hết vốn đầu tư.

Phải tính đến hiệu quả kinh tế, xã hội từ tiền đầu tư của nhà nước, tiền thuế của dân. Theo ông Đức, chủ đầu tư tiếp tục rà soát, đánh giá các hạng mục cần thiết nâng cấp, cải tạo, phù hợp quy định pháp luật, các tiêu chí, quy chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng.

Tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân kế hoạch vốn đã phân bổ, bảo đảm chất lượng công trình. Việc thực hiện dự án sẽ phải được kiểm tra, giám sát, nhất là chất lượng, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư Cảng cá Tam Quang và xây mới, nâng cấp, cải tạo, mua sắm thiết bị y tế tuyến xã: Chất lượng, hiệu quả đầu tư là tiêu chí hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO