Tài chính - Thị trường

Đầu tư lớn cho hạ tầng thương mại bán lẻ

NGUYỄN QUANG 12/03/2024 07:33

Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra nhiều phương án phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ để giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian đến.

tm.jpg
Quảng Nam khuyến khích phát triển thương mại hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Q.VIỆT

Nhận diện rào cản

Hạ tầng thương mại bán lẻ của tỉnh chưa đồng bộ. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, Trung tâm thương mại Panko Plaza (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) chưa khai thác hết công năng.

Trung tâm thương mại này cho thuê mặt bằng nhưng vắng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đến thuê để buôn bán, kinh doanh. Đầu tư cho hạ tầng thương mại là rất cần thiết nhưng đòi hỏi năng lực quản lý, tổ chức để các hoạt động kinh doanh, buôn bán đạt hiệu quả.

Không khó nhận diện kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ Quảng Nam tuy phát triển nhưng số lượng, chất lượng còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều chợ tại khu vực nông thôn đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, nhiều xã “chạy đua” xây dựng chợ nông thôn mới khá khang trang nhưng khi đưa vào hoạt động lại thiếu người mua.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 3 siêu thị, trung tâm thương mại, 160 chợ (gồm 2 chợ hạng 1 và 13 chợ hạng 2). Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2 ước đạt 4.335 tỷ đồng (chiếm gần 73% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước).

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng thương mại bán lẻ, Quảng Nam khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhưng chậm. Trước hết là cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc.

Quy hoạch chợ còn chưa đồng bộ. Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp không ít vướng mắc, chuyển sang hình thức xã hội hóa nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì diện tích đất xây dựng chợ là đất công.

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh dù cho chủ trương có từ rất sớm nhưng đến nay chậm. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những dự án đầu tư, quản lý hạ tầng thương mại bán lẻ ở khu vực đô thị có lợi thế kinh doanh với khả năng thu hồi vốn nhanh và sinh lợi cao còn các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại không kêu gọi được đầu tư.

Một vướng mắc nữa là do quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng chợ phức tạp, kéo dài gây tâm lý e ngại, chưa thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Vận động để thay đổi

Chợ Trạm ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) đã xuống cấp, việc đầu tư mới ở vị trí phù hợp với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn, phòng cháy chữa cháy, nhất là bố trí các khu vực bán hàng khoa học, đúng tiêu chuẩn là hết sức cấp thiết.

tm2.jpg
Chợ truyền thống chậm thay đổi mô hình quản lý. Ảnh: Q.VIỆT

Ngày 4/3 vừa qua, UBND huyện Núi Thành phê duyệt dự án Chợ khu dân cư Tam Hiệp do UBND xã Tam Hiệp làm chủ đầu tư, thay thế chợ Trạm.

Chợ mới sẽ được đầu tư xây dựng nhà lồng chợ diện tích xây dựng gần 2.000m2, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh, nhà kỹ thuật diện tích 43,38m2, nhà quản lý diện tích 34,4m2, nhà rác diện tích 24m2, sân đường nội bộ diện tích 1.642,8m2, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện... Tổng giá trị đầu tư chợ mới hơn 12 tỷ đồng từ ngân sách của huyện.

Ông Trần Hồng Dương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Núi Thành cho biết: “Đầu tư thay thế chợ Trạm để thuận lợi trong hoạt động kinh doanh mua bán, đồng thời hoàn thiện khớp nối hạ tầng khu dân cư chợ và khu phố chợ Trạm mở rộng, tạo mỹ quan đô thị”.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tại Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành. Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị tập trung tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn.

Mỗi địa phương đầu tư ít nhất một siêu thị hoặc trung tâm thương mại với quy mô phù hợp. Xúc tiến đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông súc sản miền Trung - Tây Nguyên tại huyện Thăng Bình với quy mô cấp vùng.

Xây dựng ít nhất 7 chợ đầu mối và các chợ biên giới tại cửa khẩu Nam Giang, Tây Giang. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo, xây dựng chợ truyền thống, chợ đô thị, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ các chợ. Đầu tư xây dựng hình thành các tuyến phố đêm, khu chợ đêm gắn với các điểm du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng thương mại bán lẻ phù hợp với từng địa phương, phù hợp quy hoạch của tỉnh.

Ngành công thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Xu thế tất yếu là thu hút đầu tư, phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử, đa kênh buôn bán... Cùng với đầu tư lớn cho hạ tầng thương mại, chú trọng xúc tiến thương mại, liên kết thị trường, kết nối cung cầu, khơi thông mạnh thị trường bán lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư lớn cho hạ tầng thương mại bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO