Đẩy mạnh cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức: Mạnh hay yếu do người thực hiện

DOÃN HOÀNG 16/08/2013 09:10

Đã có những tiến bộ rõ rệt trong công tác cải cách hành chính (CCHC) ở các ngành, địa phương. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức hôm qua 15.8, nhiều vấn đề vẫn tiếp tục được bàn thảo. Trong đó, yếu tố con người, đặc biệt, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xem là nhân tố quyết định.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì hôm qua 15.8. Ảnh: D.H
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì hôm qua 15.8. Ảnh: D.H

Công chức bớt “đi trễ về sớm”

Công cuộc CCHC thành công hay không phụ thuộc vào yếu tố con người. Nếu trang bị phương tiện hiện đại, tốn kém nhiều mà người thực hiện không tận tâm, trách nhiệm không cao, đạo đức công vụ kém thì khó thành công. Quan điểm đó được đại biểu nhiều địa phương, sở ngành đồng tình tại hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh CCHC và cải cách chế độ công vụ, công chức, do UBND tỉnh tổ chức hôm qua 15.8. Tại Tam Kỳ, cái được lớn nhất trong công tác CCHC vài năm gần đây là “cải cách” được tinh thần, thái độ làm việc và nâng cao chất lượng công chức, viên chức kéo theo việc cải thiện chất lượng công vụ. Theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, trong hai năm qua, sau khi kiểm tra, đánh giá tại hơn 20 đơn vị trực thuộc đã phát hiện nhiều điểm yếu của cán bộ, công chức, hàng chục công chức buộc phải chuyển đổi vị trí công tác, một số viên chức không được tiếp tục hợp đồng, một cán bộ không được bổ nhiệm lại… Bù lại, có đến 47 cán bộ, công chức cấp xã, phường và một số đơn vị do quá trình công tác tốt, có chiều hướng phấn đấu tốt hơn đã được UBND thành phố tạo điều kiện học tập nâng chuẩn. Cách làm của TP.Tam Kỳ đối với cán bộ, công chức vi phạm là không đợi đến dịp kiểm điểm chung mà được nhắc nhở ngay trong cuộc họp giao ban tuần, hoặc buổi chào cờ đầu tuần. Đến nay, tình trạng đi trễ về sớm đã được khắc phục nhiều, dân bớt phiền hà, công việc đã “chạy” hơn trước.

“Không dựa vào bất kỳ khó khăn nào để không thực hiện các quy định CCHC” – đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tại cuộc họp giao ban về đẩy mạnh CCHC và cải cách chế độ công vụ, công chức. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, nhìn lại quá trình CCHC của tỉnh thời gian qua có nhiều bước tiến, nhưng cũng có nhiều bước lùi. Quyết tâm CCHC thành công, tiến bộ hay không thuộc về những người đứng đầu. Những bài học, cách làm hay được các địa phương, sở ngành chia sẻ tại hội nghị trực tuyến rất cần được học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau”.

Còn với huyện Thăng Bình, trước khi có Chỉ thị 22 của UBND tỉnh, huyện đã “đi trước” bằng việc ban hành 2 chỉ thị về chấn chỉnh lối làm việc, tác phong cán bộ, công chức, quan hệ với công dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ, dù các chỉ thị nói trên chưa phát huy hiệu quả đều khắp, vẫn còn một số công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm nhưng đã có chuyển biến mạnh, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC của huyện. Cũng như Tam Kỳ, Thăng Bình đã “mạnh tay” với một số công chức yếu kém hoặc vi phạm, buộc phải chuyển đổi vị trí công tác, không bổ nhiệm một số trường hợp. Ở huyện miền núi Tây Giang, Chủ tịch UBND huyện Bling Mia cũng cho biết, đáng mừng nhất là đã dần thay đổi được một đội ngũ cán bộ, công chức trước đây chỉ biết làm theo chỉ đạo, đi trễ về sớm, rượu chè…

Với Hội An, địa phương đi đầu của tỉnh về ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa cũng cho biết, đã quan tâm đầu tư thích đáng về mặt con người. Giờ đây, công dân, doanh nghiệp chỉ cần một động tác tra cứu mã số hồ sơ trên màn hình đã có thể biết thủ tục của mình đến đâu, thời hạn được trả kết quả. Sắp tới đây, Hội An sẽ còn có nhiều đổi mới thú vị trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Trương Văn Bay thì “con người là yếu tố quyết định, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện”. Ý kiến này được nhiều vị lãnh đạo tán đồng tại hội nghị.

Ứng dụng công nghệ thông tin chưa tốt

Đều đáng nói là trong khi một số sở, ngành và địa phương đã áp dụng nhiều ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết công việc thì cũng có nhiều đơn vị chưa khai thác, tận dụng những khả năng của CNTT mang lại. Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến được triển khai còn thấp, chưa hiệu quả, thậm chí có nhiều đơn vị chưa có dịch vụ trực tuyến, chỉ một số địa phương như Hội An, Tam Kỳ đưa vào sử dụng phần mềm “một cửa điện tử” và thực hiện cơ chế “một cửa hiện đại”. “Chúng tôi không biết ngành của mình giải quyết như thế nào nếu không sớm triển khai ứng dụng các phần mềm chuyên dụng vào quản lý công việc cũng như quản lý cán bộ, công chức và giải quyết các thủ tục hành chính. Bởi với khối lượng khổng lồ dữ liệu và nhiều phần việc, lại liên tục phải cập nhật, nếu không có CNTT thì ngành không giải quyết nổi” – ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường chia sẻ.

Theo Sở Thông tin - truyền thông, đến nay dù sở có một trung tâm chuyên cung cấp phần mềm quản lý công việc, nhiều tỉnh bạn đã mua về ứng dụng khá hiệu quả nhưng ngay trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa mặn mà triển khai, dù phần mềm hoàn toàn chạy trên mạng internet, không cần phải trang bị thêm phương tiện máy móc… Theo thống kê, hiện có 14 sở, ban ngành và 12 huyện, thành phố triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, một số sở như Tư pháp, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Tài nguyên – môi trường… có phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác, góp phần đáng kể vào công tác CCHC.

DOÃN HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức: Mạnh hay yếu do người thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO