Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

LÊ MỸ 28/12/2023 07:30

Bám sát các văn bản hướng dẫn của HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân theo Nghị quyết 07 HĐND tỉnh.

UBND tỉnh liên tục tổ chức các cuộc làm việc với các ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: H.Q
UBND tỉnh liên tục tổ chức các cuộc làm việc với các ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: H.Q

Ông Phạm Minh Tài – Phó phòng TN-MT huyện Bắc Trà My cho biết, qua đo đạc đã phát hiện nhiều diện tích đất sản xuất của người dân nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng hoặc chồng lấn ranh giới.

Theo quy định thì những trường hợp này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), trong khi người dân đang sản xuất lại không đồng tình khiến địa phương rất băn khoăn.

Cạnh đó, có những diện tích người dân đã không sản xuất một thời gian và đang tái sinh, đủ điều kiện hình thành rừng. Khi đo đạc, địa phương sợ lấn vào phạm vi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hiện nay 9 huyện miền núi đã đo đạc và kê khai đăng ký cho 25/85 xã với khối lượng đo đạc khoảng 20.095/97.286ha; kê khai đăng ký và cấp giấy CNQSDĐ khoảng 7.429/50.357 hồ sơ.

Tổng kinh phí đã bố trí thực hiện hơn 31 tỷ đồng (khoảng 30,7% tổng dự toán) và đã giải ngân hơn 12,3 tỷ đồng.

Tại Tiên Phước, ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, một số diện tích đất thuộc chương trình 327, 661 trước đây đã giao khoán cho người dân trồng và chăm sóc rừng.

Đến nay hiện trạng không có rừng và hồ sơ hầu hết đã thất lạc, do đó không có tọa độ, kích thước cụ thể trên thực địa để đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Nói về việc chậm trễ GCNQSDĐ của các địa phương, ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng đã không có sự phối hợp tốt giữa các ngành chức năng liên quan.

Phần lớn các huyện giao nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 07 cho phòng TN-MT làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, trong khi phòng NN&PTNT, ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm không nhận được sự phối hợp. Điều này dễ phát sinh vướng mắc, khiếu kiện về sau. Do đó, việc tiên quyết là phải phối hợp với từng ngành, đơn vị liên quan để xử lý từng vướng mắc cụ thể.

“Đất lâm nghiệp được quản lý theo lô, khoảnh, tiểu khu nên có ranh giới rõ ràng. Thực tế có một số diện tích nằm trong hoặc ngoài ranh giới quy hoạch 3 loại rừng nhưng không nhiều. Các địa phương bám sát phạm vi thực hiện Nghị quyết 07 để tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Vướng mắc liên quan quy hoạch 3 loại rừng thì căn cứ theo Kế hoạch 5899 của UBND tỉnh để bóc tách, xác định trường hợp cụ thể cần đo đạc, cấp giấy. Về diện tích đất trong chương trình 327, 661, các địa phương cần rà soát, báo cáo những vướng mắc, số liệu cụ thể để sớm tìm cách tháo gỡ, giải quyết dứt điểm” – ông Út nói.

Theo ông Võ Như Toàn – Phó Giám đốc Sở TN-MT, các địa phương không nên giới hạn công việc ở cấp huyện và đơn vị tư vấn mà phải tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi nghị quyết. Khi đo đạc, nếu có sự tham gia, giám sát tích cực của cấp xã và người dân địa phương sẽ đảm bảo tính chính xác, đẩy nhanh hiệu quả công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO