Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

HỒ QUÂN 05/01/2024 15:15

(QNO) - Các ngành, địa phương đang tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thăng Bình vẫn còn 24.561 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong giai đoạn 1 Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai chưa thể cấp cho người dân. Ảnh: H.Q
Thăng Bình vẫn còn 24.561 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong giai đoạn 1 Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai chưa thể cấp cho người dân. Ảnh: H.Q

Chủ động tháo gỡ vướng mắc

Giai đoạn 1 Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh thực hiện từ 2011, kết thúc vào tháng 12/2020 đã khai thác, vận hành, sử dụng tại 48 xã, phường/5 huyện. Trong đó, TP.Tam Kỳ đạt 13/13 xã, phường; Núi Thành đạt 17/17 xã, thị trấn; Thăng Bình đạt 11/22 xã, thị trấn; Duy Xuyên đạt 6/14 xã, thị trấn; Quế Sơn đạt 1/13 xã, thị trấn.

Đáng nói, dù đã kết thúc thời gian thực hiện song tồn tại một số vướng mắc từ giai đoạn 1 vẫn chưa thể tháo gỡ. Tại Thăng Bình vẫn còn 24.561 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (khoảng 30%) chưa thể cấp khiến người dân bức xúc.

Ông Cao Ngọc Sang - Trưởng Phòng TN-MT huyện Thăng Bình cho biết, vì đã thanh toán một phần kinh phí thực hiện nên lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo Thăng Bình sử dụng hồ sơ cũ để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, qua rà soát, hồ sơ đo đạc thực hiện hơn 10 năm trước đã ẩm mốc và ranh giới nhiều khu vực có nhiều biến động. Do đó, việc sử dụng lại hồ sơ cũ sẽ không đảm bảo.

Theo ông Sang, chủ trương của huyện là xem xét hồ sơ nào đủ điều kiện sẽ bố trí kinh phí thực hiện; còn lại huyện sẽ tiếp tục đo đạc, chỉnh lý để làm cơ sở cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán. Ảnh: H.Q
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán. Ảnh: H.Q

Trong khi đó, lý giải về việc tiến độ dự án giai đoạn 2 chậm, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài phường Vĩnh Điện đã hoàn thành việc xây dựng lưới địa chính; 2 phường Điện Nam Trung - Điện Nam Đông đang trình Sở TN-MT phê  duyệt sản phẩm đo đạc thì 5 địa phương còn lại (gồm Điện Tiến, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam) vẫn chưa được phê duyệt thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán. Đáng nói, 2 địa phương Điện Tiến - Điện Ngọc đã trình hồ sơ Kỹ thuật thiết kế - dự toán cho Sở TN-MT từ tháng 10/2021 nhưng đến nay Sở TN-MT vẫn chưa phê duyệt.

“Quá trình triển khai, mỗi địa phương có vướng mắc khác nhau nên thị xã Điện Bàn có chủ trương mỗi địa phương sẽ thực hiện một dự án riêng biệt chứ không gộp nhiều địa phương. Với cách làm này, dự án sẽ được đẩy nhanh, không dồn ứ hồ sơ” - bà Châu cho biết.

Hiện nay kinh phí thực hiện dự án là 10% nguồn thu tiền sử dụng đất địa phương. Song, phần lớn các địa phương đều báo cáo nguồn thu này năm 2023 tụt giảm rất sâu. Do đó không đảm bảo kinh phí, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện.

[VIDEO] - Ông Cao Ngọc Sang, Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình chia sẻ về thiếu hụt nhân lực ảnh hưởng tới việc triển khai dự án: 

Đẩy nhanh quá trình thẩm định

Theo Sở TN-MT, giai đoạn 2 Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Nhưng đến nay, Sở TN-MT chỉ mới ban hành công văn thẩm định tại 2 huyện Nông Sơn và Thăng Bình; 10 địa phương khác vẫn đang trong quá trình thẩm định. Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT nói, việc chậm trễ thẩm định do năng lực đơn vị lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán hạn chế. Đối với một số hồ sơ, dù Sở TN-MT đã có ý kiến, đề nghị hoàn thiện đến lần thứ 3 nhưng việc chỉnh sửa, hoàn thiện của các đơn vị vẫn chưa dứt điểm. Điều này đã dẫn đến việc thẩm định hồ sơ kéo dài.

“Về kinh phí, các địa phương kiểm tra, lập kế hoạch dự án nào triển khai trước, dự án nào sau. Đồng thời rà soát 10% nguồn thu tiền sử dụng đất địa phương thiếu bao nhiêu và có báo cáo, đề xuất cụ thể. Điều này sẽ thuận lợi cho tỉnh dễ phân bổ kinh phí cho các địa phương thực hiện” - ông Toàn cho biết.

Hụt thu tiền sử dụng đất là một trong những khó khăn của các địa phương trong việc triển khai dự án. Ảnh: H.Q
Hụt thu tiền sử dụng đất là một trong những khó khăn của các địa phương trong việc triển khai dự án. Ảnh: H.Q

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chủ trương của Bộ TN-MT là đến 2024 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Do đó, Quảng Nam phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trước tháng 6/2024. Theo đó, các địa phương miền núi chưa triển khai phải nỗ lực, đảm bảo ít nhất 1 xã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; còn khu vực đồng bằng cần đẩy nhanh tiến độ, càng nhiều địa phương hoàn thành càng tốt.  

UBND tỉnh tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: H.Q
UBND tỉnh tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: H.Q

Ông Bửu yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục đẩy nhanh việc thẩm định và giao về cấp huyện làm chủ đầu tư dự án. Địa phương hoàn thành thiết kế kỹ thuật - dự toán sẽ ưu tiên thực hiện trước, tránh việc dồn ứ hồ sơ và thực hiện 1 lần.

“Sở TN-MT cần thành lập tổ thẩm định, báo cáo tiến độ hằng tuần với tỉnh. Cấp huyện cũng thành lập các tổ chỉ đạo, huy động sự tham gia các cấp xã và sự vào cuộc tuyên truyền của Hội, đoàn thể đẩy nhanh tiến độ, sớm tháo gỡ vướng mắc ở cơ sở” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO