Cuộc sống thường ngày

Dậy theo tiếng rừng...

ALĂNG NGƯỚC 12/11/2024 14:32

(VHQN) - Có lúc hiểm nguy trước mặt nhưng những bước chân của họ vẫn men theo vách núi, lội qua thác ghềnh. Ngày này qua tháng nọ, hễ có kế hoạch của trưởng nhóm, cả tổ quản lý bảo vệ rừng lại luân phiên nhau ngược núi, làm nhiệm vụ tuần tra.

4c5276bd1555ac0bf544.jpg
Bling Tuyền (ngoài cùng bên trái) cùng thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cà Lai trong chuyến ngược núi tuần tra. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Một ngày trung tuần tháng 10, trời vừa mờ sáng, qua Zalo, Bling Tuyền thông báo đến các thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cà Lai (xã Cà Dy, Nam Giang) sửa soạn tư trang, chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ tuần tra rừng. “Tùy theo tình hình, chuyến đi có thể ở lại hoặc về trong ngày. Anh em sẵn sàng nhé!”. Chỉ vài phút, sau tin nhắn của Tổ phó Bling Tuyền, gần 10 thành viên có mặt đông đủ, cùng xuất phát.

Phải trồng rừng!

Tôi hỏi Bling Tuyền, là phụ nữ, sao lại chọn công việc gian khó như tổ bảo vệ rừng? Ánh mắt Bling Tuyền sáng lên, rồi đảo hướng về phía những cánh rừng trước mặt, bảo “vì không muốn rừng bị xâm chiếm, gây mất đi giá trị sinh thái”.

70b274d20c31b56fec20.jpg
Chuyến tuần tra rừng đều luôn có mặt của Bling Tuyền và các chị em phụ nữ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chị Tuyền kể, vài năm trước chị được cử ra dự hội thảo tại Hà Nội. Cảm nhận sự ngột ngạt của không khí phố thị, cảm giác lúc nào cũng thiếu ô-xy nên khi về quê, chị đã chia sẻ lại chuyện “tai nghe mắt thấy” cho cộng đồng. Đó cũng là động lực để chị có thêm tinh thần và nhiệt huyết trong việc tuyên truyền, vận động người dân cùng giữ rừng.

“Nếu không muốn cuộc sống của mình cũng bị ngột ngạt như thế, bà con phải nghe theo lời tôi, tham gia bảo vệ rừng, vừa giữ môi trường trong lành, lại có cơ hội phát triển sinh kế dưới tán rừng” - Bling Tuyền kể.

Em vận động người dân trồng rừng, ngăn ngừa sự xâm hại, lấn chiếm rừng tự nhiên. Mới đầu người dân không đồng tình, hưởng ứng vì nghĩ sẽ mất rừng, rừng về tay người khác. Dân chửi bới trong cuộc họp nhưng em nhất quyết không bỏ cuộc. Dần dà, người dân hiểu ra nên ủng hộ. Nhận thức được thông, ngay cả vườn lòn bon cộng đồng, trước đây mạnh ai nấy hái, hái không được thì chặt cây. Từ khi có Tổ quản lý bảo vệ rừng, vườn cây không chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt, mà ngay cả ý thức người dân cũng nâng lên...

(Tổ phó Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cà Lai - Bling Tuyền)

Lời đề nghị đó, không ngờ được người dân hưởng ứng. Ngoài Bling Tuyền, có thêm 8 thành viên nữ khác ở địa phương tình nguyện tham gia giữ rừng, nâng thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cà Lai lên 44 người. Đó là năm 2019, khi Cà Lai chính thức sáp nhập từ Pà Lanh và Pà Păng, thời điểm Tuyền được bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Cà Lai.

Từ năm 2017, tại Cà Lai, chuyện trồng rừng cũng đã được khởi xướng, sau hành trình dài tuyên truyền, vận động của Tuyền và nhiều cán bộ thôn.

Một cuộc trồng rừng quy mô lớn được tổ chức, khởi đi từ Dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 (dự án BCC) vào năm 2017. Được người làng ủng hộ, chỉ sau thời gian ngắn, hơn 100ha cây mây, cùng 180ha lim, lát hoa... được trồng phủ rộng khắp cánh rừng đầu nguồn Cà Dy.

Về sau, Dự án Trường Sơn Xanh tiếp nối mô hình, tạo điều kiện hỗ trợ người dân chăm sóc, bảo vệ giúp nhiều cây rừng thêm phát triển, trở thành nguồn lợi sinh kế từ dịch vụ môi trường rừng, như bây giờ.

cbfc072f64c7dd9984d6.jpg
Những bữa cơm vội giữa rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hiểu nhau từ tình yêu với rừng

Quá trưa, chúng tôi dừng chân trên “cổng trời” Ta Râm, thuộc Tiểu khu 316. Nơi này là lâm phận quản lý của Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng Cà Lai. Bữa cơm vội giữa rừng, ngoài cơm trắng, có thêm ít cá khô được nấu chung với mì tôm. Đói lả nên ai cũng ăn ngấu nghiến.

Chị Phạm Thị Gươnh, một thành viên có mặt trong tổ tuần tra nói, gần như chuyến đi nào, nếu không bận công việc gia đình, Bling Tuyền đều có mặt.

Đảm nhận vai trò Tổ phó, nhiệm vụ chính của Tuyền, ngoài tuần tra, ghi dấu hiện trạng rừng, còn trực tiếp xử lý, báo cáo với cấp trên nếu có sự tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến rừng. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng của Bling Tuyền trên mỗi bước đường tuần tra giúp các thành viên bảo vệ rừng, nhất là các chị em an tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ “giữ màu xanh cho rừng”.

“Nhưng, cũng không thể tránh khỏi những hiểm nguy từ công việc tuần tra này. Như vài tháng trước, trong lúc tuần tra, khi đến đoạn suối thì bất ngờ lũ lên. Nhờ có sự chủ động, dù cả tổ không gặp vấn đề gì bất trắc, nhưng phải ở lại bìa rừng suốt nhiều giờ để chờ nước rút” - chị Gươnh chia sẻ.

Những hiểm nguy luôn phải đối mặt rồi vượt qua, giúp các nữ thành viên tổ bảo vệ rừng ở Cà Lai dần quen với công việc, thậm chí là chủ động trước rắn rết, sạt lở đất...

Vài tháng trước, khoảng 16 giờ chiều, khi nhận tin báo phát hiện có đám cháy xảy ra sát gần khu vực trồng rừng, Tuyền đã tức tốc lên đường tham gia dập lửa cùng thanh niên địa phương.

Đợt đó, lửa cháy lan từ đồi rẫy người dân, may thay nhận được sự “chi viện” kịp thời từ các lực lượng của xã nên đám cháy được khống chế. Mệt nhoài theo từng bước chân, đến khi về tới nhà, đồng hồ báo đã hơn 22 giờ khuya...

Chồng của Bling Tuyền - anh Kaphu Tạ cũng làm nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng của xã nên càng thấu hiểu công việc của vợ. Anh Tạ kể, có hôm nhà đang có việc nhưng chuyến tuần tra của vợ đã “lên lịch” nên đành tìm cách xử lý để vợ yên tâm làm nhiệm vụ.

Chuyến tuần tra kết thúc, Bling Tuyền lấy từ trong túi cuốn sổ ghi chép nhật ký hành trình. Đây được xem là bằng chứng ghi lại toàn bộ diễn biến cuộc tuần tra, cũng như hiện trạng rừng thời điểm thành viên tổ có mặt.

Những người tham gia nhiệm vụ lần lượt ký tên, xác nhận “Hiện trạng rừng bình thường, không phát hiện tác động từ bên ngoài. Nhiều loài cây gỗ đang phát triển và tái sinh”... Tôi cảm nhận, tình yêu của họ với rừng, thật lớn!

Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng Cà Lai đang quản lý, bảo vệ hơn 1.077ha rừng cộng đồng (gồm 4 tiểu khu và 12 tuyến) theo dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Cùng với cộng đồng, những phụ nữ như Bling Tuyền hay chị Gươnh vượt qua các khó khăn đặc thù, họ miệt mài với những chuyến đi, bằng sự sẻ chia và tình yêu với rừng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dậy theo tiếng rừng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO