Môi trường

Đề án phân loại rác thải tại nguồn ở Thăng Bình:Cần điều chỉnh để phù hợp thực tế

MINH TÂN 26/04/2024 09:33

Huyện Thăng Bình đã ban hành Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, khi triển khai thí điểm tại các địa phương đã gặp nhiều khó khăn, cần điều chỉnh cho phù hợp.

z5363193698479_a75fd80a507ecc1265fb5402ba17f98b.jpg
Đại biểu góp ý điều chỉnh Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, giai đoạn 2020 - 2025 do Mặt trận huyện Thăng Bình tổ chức. Ảnh: MT

Bà Trần Thị Mỹ - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình cho biết, Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, giai đoạn 2020 - 2025 được HĐND huyện Thăng Bình thông qua tại Nghị quyết số 06 ngày 2/7/2020; ngày 28/9/2020, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Theo đó, năm 2021, Thăng Bình triển khai thực hiện thí điểm đề án tại các xã Bình Minh, Bình Chánh, Bình Phú và thị trấn Hà Lam; năm 2022 triển khai nhân rộng tại các xã còn lại.

Tuy nhiên, ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành; ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Do đó, cần điều chỉnh một số nội dung trong đề án của huyện để đảm bảo đúng quy định hiện hành về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và phù hợp với kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh.

Ngoài ra, theo đề án sẽ hỗ trợ thùng rác cho các gia đình; tuy nhiện việc mua sắm có nguồn kinh phí lớn, phải thực hiện các thủ tục đấu thầu, thời gian chọn đơn vị cung cấp kéo dài và mỗi xã chỉ được hỗ trợ 500 thùng rác, gây khó khăn cho địa phương trong việc lựa chọn đối tượng được hỗ trợ.

z5371956455434_1840deef22cd8795b51030a429f86152.jpg
Thực hiện đề án, các hội, đoàn thể ở Thăng Bình đã hỗ trợ thùng chứa rác cho hội viên. Ảnh: M.T

Mới đây, tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo điều chỉnh Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, giai đoạn 2020 - 2025 do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng tại các xã thí điểm thực hiện đề án đã giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, nhận thức người dân về phân loại rác được nâng lên…, tuy nhiên cần bổ sung để đề án thật sự có hiệu quả khi nhân rộng.

Bà Trần Thị Kim Hiền - Trưởng ban Tư vấn - dân chủ - pháp luật và tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho rằng, việc nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại chất thải tại nguồn là vấn đề hàng đầu, do đó phải thay đổi cách tuyên truyền.

“Mỗi thôn trên địa bàn huyện có dân số đông nhưng khi tổ chức các buổi họp dân để tuyên truyền thì người dân tham gia rất ít. Do vậy, tuyên truyền miệng hiệu quả không cao. Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh sẽ hiệu quả hơn” - bà Trần Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho rằng, cần hỗ trợ lắp đặt camera giám sát ở một số vị trí, khu vực khu dân cư để hạn chế người dân đổ rác ra môi trường.

Ngoài ra, điều chỉnh không hỗ trợ kinh phí cho tổ thu gom rác thải và nâng mức hỗ trợ kinh phí cho tổ kiểm tra, giám sát để tăng trách nhiệm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề án phân loại rác thải tại nguồn ở Thăng Bình: Cần điều chỉnh để phù hợp thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO