Để an toàn khi đi xe đạp điện

KHẢI KHIÊM 22/12/2023 08:24

(QNO) - Tình trạng học sinh đi xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông diễn ra hiện nay khá phổ biến. Phụ huynh, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở các em tuân thủ quy định của pháp luật; phổ biến những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn; đặc biệt quan tâm hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho con em mình.

Học sinh cấp THCS sử dụng xe đạp điện rất nhiều. Ảnh: K.K
Học sinh cấp THCS sử dụng xe đạp điện rất nhiều. Ảnh: K.K

Nguy cơ tai nạn 

Giá cả vừa túi tiền cùng tiện ích mang lại, xe máy điện, xe đạp điện được nhiều người mua, dùng lưu thông hàng ngày, hoặc cho con em mà chủ yếu bậc THCS, THPT sử dụng chiếm phần lớn. Tuy nhiên, phần đông học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chạy nhanh, vừa di chuyển vừa vô tư nói chuyện với bạn bè khiến bản thân và người đồng hành đối diện nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Có thể thấy, việc nắm bắt các quy định của pháp luật để vận hành xe đạp điện tham gia giao thông an toàn từ học sinh, kể cả phụ huynh chưa được quan tâm đúng mức. Cho nên, họ không nắm bắt được hoặc không để ý trước những nguy cơ mà con em mình phải đối diện trên đường, nếu sử dụng không đúng cách loại xe thuộc nhóm phương tiện thô sơ này.

Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật. Ảnh: K.K
Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật. Ảnh: K.K

Được biết, xe đạp điện là xe 2 bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h. Theo các nhà chuyên môn, phương tiện này đi êm không phát ra tiếng động, chạy với vận tốc 25km/h dễ bị mất thăng bằng do xe nhẹ, đường kính bánh xe nhỏ dẫn tới độ ma sát giảm dần, độ văng lớn rất khó kiểm soát dẫn đến va phải xe khác, hoặc tự té ngã.

Ngược lại, lứa tuổi học sinh “ăn chưa no, lo chưa tới”, hấp tấp và còn kém về kỹ năng điều khiển xe thực tế trên đường. Nhiều em đi không đúng phần đường quy định; đang chạy ngon trớn thì dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; lái xe dàn hàng ngang…

[VIDEO] - Học sinh đi xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến:

Chính vì vậy, các em dễ bị tai nạn giao thông trong bối cảnh phương tiện lưu thông hỗn hợp gia tăng cao, song hạ tầng lại không theo kịp với tốc độ gia tăng của phương tiện. Nếu không đội mũ bảo hiểm, xe khi xảy ra sự cố thì người ngồi trên ngã xuống, có nguy cơ bị chấn thương sọ não rất cao.

Nhằm đảm bảo an toàn, người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền 400-600 nghìn đồng/trường hợp.

An toàn là bạn

Bất chấp nguy hiểm, học sinh này đi ngược chiều vào làn dành cho xe máy. Ảnh: K.K
Bất chấp nguy hiểm, học sinh này đi ngược chiều vào làn dành cho xe máy. Ảnh: K.K

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh tại Việt Nam cao hơn 2,73 lần so với Nhật Bản, 1,84 lần so Hàn Quốc và 1,25 lần so với Campuchia. Trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Học sinh tham gia giao thông có 80 - 90% xe đạp điện, xe máy điện không lắp gương chiếu hậu; 27% em thiếu hiểu biết về cách điều khiển phương tiện giao thông an toàn.

Rất đông em đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Học sinh gây ra tai nạn giao thông do thiếu kiến thức, kỹ năng, ý thức khi tham gia giao thông. Đáng chú ý, nhiều em thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và không nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc an toàn giao thông.

Phụ huynh, nhà trường cần yêu cầu, giám sát việc con em, học sinh đi học bằng xe đạp điện mà đầu không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: K.K
Phụ huynh, nhà trường cần yêu cầu, giám sát việc con em, học sinh đi học bằng xe đạp điện mà đầu không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: K.K

Để đảm bảo an toàn khi đi xe đạp điện trên đường, các em cần được trang bị, phổ biến những kiến thức cơ bản. Trước hết, điều khiển phương tiện đi xe vào phần đường dành cho xe đạp, xe thô sơ; tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; không sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính); không lạng lách, đu bám xe khác. Đi xe vào ban đêm phải có đèn báo hiệu trước, sau hoặc phản quang. Đặc biệt lưu ý, người lái và người ngồi trên xe đạp điện phải đội mũ hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách.      

Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam phối hợp tuyên truyền pháp luật, tặng mũ bảo hiểm cho học sinh bậc THPT. Ảnh: C.T
Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam phối hợp tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn và tặng mũ bảo hiểm cho học sinh bậc THPT. Ảnh: C.T

Theo chuyên gia giao thông, việc điều khiển xe đạp điện qua đường cũng phải chú ý thực hiện đúng cách để tránh xung đột, va chạm gây tai nạn. Đơn cử, học sinh qua đường nơi có đèn tín hiệu giao thông phải giảm tốc độ; quan sát để chắc chắn không có xe nào đang đến gần; chờ khi có tín hiệu báo hướng rẽ thì bắt đầu đi nhưng phải luôn chú ý quan sát an toàn xung quanh.       

Đối với đường giao nhau có tín hiệu đèn giao thông, các em giảm tốc độ; gặp đèn đỏ phải dừng lại trước vạch dừng; gặp đèn xanh thì quan sát an toàn xung quanh rồi mới điều khiển xe đi tiếp. Tại nơi đường giao nhau không có đèn tín hiệu giao thông, học sinh bắt buộc phải giảm tốc độ; chú ý quan sát an toàn ở mọi phía (trái, phải, trước, sau). Sau đó, đưa ra tín hiệu báo hướng rẽ nếu chuyển hướng; thấy không có xe nào đang đến gần mới đi qua, nhưng vẫn chú ý quan sát.

Người điều khiển xe đạp điện lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” sẽ bị xử phạt 300 - 400 nghìn đồng/hành vi. Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định; dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước; sử dụng ô (dù)… thì bị phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/hành vi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để an toàn khi đi xe đạp điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO