(QNO) - Trong bối cảnh kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, Quảng Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GRDP quý I/2025 đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều địa phương trong khu vực miền Trung. Công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong khi dịch vụ và nông nghiệp cũng có nhiều điểm sáng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, quy mô nền kinh tế GRDP (theo giá hiện hành) quý I/2025 ước đạt 27.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế ước đạt 11.900 tỷ đồng, tăng 8,3%.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,1%, đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung, với hơn 3,2 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 14,8%, mức tăng khá cao trong bối cảnh các ngành sản xuất phục hồi chậm ở nhiều nơi khác.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ lực với mức tăng 11,8%. Một số doanh nghiệp lớn như Thaco, dệt may, da giày, điện tử tiếp tục duy trì đơn hàng ổn định và mở rộng sản xuất. Sản xuất và phân phối điện tăng mạnh 20,6%, là điểm sáng trong nhóm ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, ngành xây dựng lại giảm 5,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do thiếu vật liệu xây dựng, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và việc dừng một số dự án đầu tư công theo lộ trình tinh gọn bộ máy. Hoạt động xây dựng dân dụng giảm sâu tới 24,5%, kéo giảm tăng trưởng chung.
Khu vực dịch vụ trong quý I tăng 8,1%. Hoạt động thương mại, tiêu dùng, vận tải, lưu trú - ăn uống và các dịch vụ tài chính đều ghi nhận mức tăng khá.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tăng 7,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng tới 17,9%. Tính chung 3 tháng đầu năm, Quảng Nam đón khoảng 2,24 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế chiếm tới 1,725 triệu lượt, tăng 11%.
Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 2.860 tỷ đồng, tăng 26%, kéo theo thu nhập xã hội từ du lịch đạt 6.721 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy du lịch Quảng Nam đang dần hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch và biến động kinh tế toàn cầu.
Mặc dù tỷ trọng trong GRDP không lớn, chiếm 12,3%, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đóng góp đáng kể trong bức tranh chung. Quý I/2025, khu vực này tăng 4,1%, mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Ngành nông nghiệp tăng 4,9%; lâm nghiệp tăng 6,1% nhờ nhu cầu xuất khẩu gỗ khởi sắc; thủy sản tăng 1,4% nhờ ổn định nguồn khai thác và nuôi trồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I đạt 5.412 tỷ đồng, bằng 22% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 5.373 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách đạt 6.542 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 3.027 tỷ đồng, bằng 56% dự toán.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “điểm nghẽn”. Tính đến ngày 31/3/2025, Quảng Nam mới giải ngân 690 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư công hơn 8.300 tỷ đồng, đạt 8,3% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao và 9,7% kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị tăng tốc triển khai thi công, đẩy nhanh thủ tục, tập trung vào các công trình động lực như các dự án của Thaco, Nam Hội An, Geleximco…
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2025 đạt 10%. Để đạt được điều này, theo UBND tỉnh, trong quý II cần quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu ra.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát các quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn và các chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục phát huy vai trò của các khu công nghiệp trọng điểm và các vùng động lực.
Quý I/2025, tổng giá trị tăng thêm (VA) của các ngành kinh tế ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Lê Quý Đạt - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Quảng Nam, với mức tăng 8,3% so cùng kỳ của tốc độ tăng trưởng VA, Quảng Nam xếp vị thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp vị thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Xét về quy mô GRDP, Quảng Nam xếp vị thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp vị thứ 8/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp vị thứ 4/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định). (TRỊNH DŨNG)