(QNO) - Chiều 4/12, các đại biểu tại Tổ thảo luận số 3, Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa X đã tập trung nêu ra thực trạng phát triển kinh tế, xã hội miền núi; phản ánh các dự án bức thiết cần đầu tư và đưa ra các giải pháp để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tránh lãng phí ngân sách.
Tránh lãng phí ngân sách
Theo ông Bhling Mia – Bí thư Huyện uỷ Tây Giang, Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan, Tây Giang) sạt lở đã 4 năm nay. Rất nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, đánh giá được thực hiện, song tiến độ rất chậm. Riêng hạng mục giảng đường, khu ký túc xá 4 tầng thì thiết bị điện, nước, dụng cụ phục vụ nấu ăn đã rò rỉ, xuống cấp. Nếu đầu tư, sửa chữa lại hạng mục này phải hơn 10 tỷ đồng. Càng để lâu thì số tiền phải đầu tư phải gấp nhiều lần con số này. Đây là hiện tượng lãng phí.
[VIDEO] - Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện uỷ Tây Giang kiến nghị khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang):
Về công tác sửa chữa kè đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các các cơ quan, đơn vị liên quan. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã cam kết với Thường trực Huyện uỷ Tây Giang sẽ triển khai hạng mục vào tháng 9/2024 song đến nay vẫn chưa thấy động thái nào. Đồng thời không phản hồi thông tin nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai.
“Hiện nay gần 400 em học sinh và 80 thầy, cô giáo, nhân viên vẫn tạm ở, học tập trong điều kiện khá khó khăn tại trung tâm huyện. Cần sớm đầu tư kè và các hạng mục liên quan, chứ với tiến độ này không chắc chắn năm học 2025-2026, thầy cô và học sinh có thể trở lại trường hay chưa” – ông Mia nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ thông tin, tuyến ĐH8 (đoạn Trà Đốc - Trà Bui, huyện Bắc Trà My) có tổng chiều dài 28km được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1566 ngày 25/8/2019, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Song do năng lực đơn vị thi công hạn chế, hết thời hạn thi công chỉ mới đạt 36% khối lượng nên UBND huyện Bắc Trà My đã quyết toán, chấm dứt dự án.
Hiện nay nhiều đoạn hình thành ổ voi, ổ gà và sạt lở nghiêm trọng sau mưa lớn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Một số người dân phải dùng ghe di chuyển đường vòng theo lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh. Do đó, trước mắt UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp khắc phục tạm thời để người dân đi lại an toàn. Sở KH-ĐT cần tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư tuyến đường này. Nếu chậm trễ, các hạng mục đã làm sẽ hư hỏng, lãng phí ngân sách.
Các nội dung thảo luận tại Tổ 3 cũng chỉ ra nhiều tồn tại của 94 dự án xin kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách tỉnh đến hết năm 2025, trong đó rất nhiều dự án quan trọng ở vùng Tây, song chậm tiến độ, triển khai ì ạch như tuyến kè bờ sông A Vương (Tây Giang), Đường ĐT606 Tây Giang, Trường THPT Võ Chí Công, Trung tâm Y tế Phước Sơn, …
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2025 sẽ phân công các tổ công tác phụ trách từng dự án trong 94 dự án chậm trễ nói trên. Qua đó phối hợp với các địa phương, đơn vị khắc phục khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, kết thúc dự án trong năm 2025.
[VIDEO] - Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỷnh thông tin về dự án Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang):
Để chính sách đi vào cuộc sống
Theo ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì khu vực miền núi còn có 37 Nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, với kinh phí khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó có 19 nghị quyết dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí khoảng 3.100 tỷ đồng. Còn lại 18 nghị quyết liên quan đến đồng bằng và miền núi, khoảng 4.900 tỷ đồng. Có thể thấy, tỉnh ưu tiên, quan tâm dành nguồn kinh phí đầu tư cho miền núi khá lớn. Song tỉ lệ giảm nghèo miền núi và nâng dần mức sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Đến 2025, có 22/37 nghị quyết sẽ hết hiệu lực. Như vậy một lượng lớn cơ chế, chính sách cho địa bàn miền núi sẽ không còn. Nếu không tập trung đánh giá sát các chế độ chính sách đối với người dân vùng cao, thì sau 2025 sẽ ảnh hưởng đến kết quả công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập.
“Ngay từ đầu năm sau, lãnh đạo UBND chỉ đạo quyết liệt các địa phương rà soát các nghị quyết hết hiệu lực năm 2025 để có đánh giá một cách thực chất. Các nghị quyết đã ban hành có thực sự đi vào chiều sâu cuộc sống người dân chưa. Những cơ chế, chính sách nào không còn phù hợp cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách triển khai để người dân thụ hưởng 8.000 tỷ ngân sách này” - ông Phương kiến nghị.
Ông Phương cho rằng, đối với khu vực miền núi, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, lâm nghiệp và dược liệu là ưu tiên hàng đầu. Và để thu hút doanh nghiệp đầu tư thì cần phải có nguồn nguyên liệu từ người dân. Do đó cần phát huy hiệu quả các nghị quyết đã ban hành để hỗ trợ người dân.
Đối với Nghị quyết 35 HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã triển khai tốt tại các địa phương, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Năm 2024 đã hoàn thành việc hỗ trợ 50 tỷ đồng cho người dân. Song người dân đăng ký tham gia ngày càng nhiều, trong khi kinh phí mỗi năm 50 tỷ đồng không đáp ứng nhu cầu đặt ra. UBND tỉnh cần rà soát tình hình thực tiễn, xem xét bố trí thêm kinh phí thực hiện.
[VIDEO] - Ông Phạm Văn Đốc, Bí thư Huyện uỷ Tiên Phước kiến nghị những vướng mắc liên quan đến Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 9 huyện miền núi:
Nghị quyết 09 HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, các địa phương miền núi tiếp tục rà soát, linh hoạt trong cách triển khai thực hiện. Hiện nay dược liệu miền núi chỉ dừng lại ở việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và quế Trà My, các loại dược liệu khác còn khá hạn chế.
“Nếu không tranh thủ cơ chế, chính sách và vận dụng hiệu quả, kết hợp với thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số thì giảm nghèo, nâng cao đời sống sẽ còn nhiều khó khăn” – ông Phương nói.
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy hiệu quả, song công tác triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Năm 2025, nếu không thay đổi cách làm sẽ không đảm bảo tiến độ giải ngân, nhất là các nguồn vốn kéo dài. Quảng Nam phải phát huy hiệu quả chính sách dành cho miền núi này, trong đó tập trung cho công tác sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.