Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Để mà nhớ, để mà hy vọng!

QUẾ HÀ 28/04/2025 08:19

Những giọt nước mắt, những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ người thân mình ở đâu, họ chờ đợi và hy vọng dù một chút mỏng manh!

Những giọt nước mắt, những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ người thân mình ở đâu, họ chờ đợi và hy vọng dù một chút mỏng manh!

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ…”

Trên trang facebook của cựu chiến binh Nguyễn Đức Thái, anh viết: “Cha mình thoát ly tham gia kháng chiến cứu nước năm 1962, là cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam. Ông hy sinh tháng 3 năm 1971 (theo bằng Tổ quốc ghi công). Nơi hy sinh: Hố Dí, thôn 8, xã Kỳ Sanh, huyện Nam Tam Kỳ, thi hài được cơ sở cách mạng gom lại chôn cất ở xóm 2, sau ngày giải phóng được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Mỹ với phần mộ chưa biết tên. Năm nay vợ chồng mình quyết định làm cho cha ngôi mộ để có nơi các cháu về thắp hương tưởng nhớ...”.

Anh cũng chia sẻ rằng, đã gần 55 năm trôi qua, việc tìm mộ cha anh gần như vô vọng, chỉ trông chờ vào một phép màu nào đó. “Cha đi làm cách mạng khi mình lên 4 và ông hy sinh khi mình 12 tuổi, thân xác cha được hòa quyện với nhiều đồng đội và đã được đưa về nghĩa trang với tấm bia đá: Liệt sĩ - Chưa biết tên” - anh viết.

Người Việt mình có quan niệm, khi chết phải có mồ mả. Vì vậy, gia đình anh Thái nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt. Theo nghi thức của cựu chiến binh, “thi hài” được phủ quân kỳ, chôn cất như người quá cố. Anh Thái và dòng tộc tin rằng làm như vậy linh hồn của cha anh sẽ không phải lang thang, phiêu bạt mà tìm được đường về đoàn tụ với gia đình, tổ tiên…

Các anh ra đi “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ…”. Gia đình tôi cũng vậy, người anh trai độc nhất con bác ruột hy sinh khi mới 17 tuổi, không tìm được hài cốt. Tận cùng nỗi nhớ thương, gia đình nhờ một họa sĩ vẽ chân dung anh qua lời kể của của bà con lối xóm trong vùng…

Có biết bao câu chuyện về các họa sĩ thời kháng chiến khi đi ký họa, như bức ký họa “em Tượng 14 tuổi, ở làng Phú Long, du kích xã Lộc Thuận” - người anh hùng tên Tượng lúc ấy mới 14 tuổi mà đã diệt 71 tên địch, đánh 20 trận. Bức vẽ được ghi năm 1972, chỉ sau đó chưa tròn một năm, người chiến sĩ ấy đã anh dũng hy sinh.

Hay hình ảnh anh Lơ - du kích xã Lộc Quang, bây giờ là Đại Đồng (Đại Lộc) đôi má phúng phính, khuôn mặt còn búng ra sữa, nhưng rất tự tin, đoán chừng lúc ấy anh khoảng 15, 16 tuổi. Quần xắn cao, mang đôi dép cao su, vai đeo băng đạn, lưng mang lựu đạn với khẩu súng RBD. Tấm ảnh đó được họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh vẽ năm 1972, thì đến năm 1973 anh hy sinh.

Những bức ký họa của các anh, được người thân làm di ảnh trên bàn thờ…

Nơi trú ngụ những tâm hồn

Tôi được tham gia nhiều lễ đưa tiễn liệt sĩ về nhận mặt quê hương, như trường hợp liệt sĩ Đào Văn Đạo, sau gần 53 năm nằm lại trên mảnh đất anh hùng Bình Lâm (huyện Hiệp Đức), anh được về với đất mẹ Hà Nam. Liệt sĩ Hoàng Văn Cải từ nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Minh (Quế Sơn) về quê nhà tại xã Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định. Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hy ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa hy sinh ở Tiên Phong (Tiên Phước), không khỏi xúc động với hành trình đón anh trở về sau 55 năm xa quê.

Nhân dân, dòng họ tổ chức lễ đón những người con anh hùng về lại quê hương, lễ tang vô cùng ấm cúng, nghĩa tình. Theo phong tục địa phương, nghi lễ giống y người mới mất.

Nhiều câu chuyện khác như liệt sĩ Đinh Án, đơn vị Sư đoàn 2, Quân khu 5 - dân tộc Mường, trên giấy báo tử là hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang gần mặt trận.

Gần 50 năm ngã xuống cùng hơn 2.000 liệt sĩ quê Vĩnh Phúc tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Gia đình liệt sĩ tìm được mộ, đưa anh về đất mẹ, em trai liệt sĩ gửi lời cám ơn đến các cựu chiến binh ngày đêm rong ruổi đi tìm đồng đội với lời nhắn “Gia tài lớn nhất mà anh để lại là Độc lập - Tự do - Hòa bình cho dân tộc”…

Quảng Nam là mảnh đất thấm máu xương với biết bao hy sinh của những con người yêu nước trong hai cuộc kháng chiến. Quảng Nam là chiến trường khốc liệt, hơn 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh, nên không thiếu những câu chuyện bi tráng trên mảnh đất lửa anh hùng này. Như câu chuyện xúc động của bà Trần Thị Dự (74 tuổi, quê Tam Hiệp, huyện Núi Thành), là mẹ của liệt sĩ Huỳnh Quang Thơ.

Bà chia sẻ: “Hắn mập, da trắng, mắt tròn, đẹp lắm, nếu hắn còn sống năm ni 78 tuổi, xung phong đi bộ đội, bạn ba hắn giữ lại, hắn không chịu, hắn xung phong đi chiến trường... Không còn chi nữa hết, ảnh nó mất hết trơn, chỉ biết nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Núi Thành, không biết nằm chỗ mô, trốn mẹ tìm không ra, đi luôn không trở lại, không biết ngày mô nó mất, chỉ biết lấy ngày Tổ quốc ghi công làm đám giỗ”.

Các văn nghệ sĩ hằng năm đến ngày giỗ, tết, hoặc trên hành trình của mình đều đến viếng hương các văn nghệ sĩ hy sinh trên đất Quảng Nam. Họa sĩ Hà Xuân Phong hy sinh ở sông Trà Nô (Hiệp Đức), nơi anh nằm là nghĩa trang Hòa Hải, Đà Nẵng. Nghệ sĩ múa Phương Thảo có 2 ngôi mộ: nơi chị hy sinh và ở nghĩa trang Điện Bàn...

Ở ngôi chùa làng Việt cổ Vũ Thạch (Hà Nội), chị Phương Liên (người vợ sắp cưới của liệt sĩ Chu Cẩm Phong) chọn nơi này để thờ cúng anh. Không có ngày mùng 1, ngày rằm nào chị không đến để gửi gắm, tâm sự cùng anh. Nơi thờ anh, chị đặt di ảnh, bức ảnh chị đã đem về từ Quảng Nam. Anh là người được nhiều người thờ cúng nhất, gia đình bác Lê Yến đồng đội với anh, nhà gần khu tưởng niệm nơi anh hy sinh, nay người du kích Lê Yến đã về nơi thiên cổ, nhưng gia đình vẫn chọn nơi trang trọng nhất để thờ liệt sĩ Chu Cẩm Phong.

Chị Phương Liên chọn ngôi chùa này để gửi gắm anh, có lẽ xuất phát từ giao ước của đôi uyên ương, khi đất nước thống nhất, nơi gặp gỡ đầu tiên là hồ Hoàn Kiếm...

Dù thân xác các anh, các chị hòa vào sông núi, nhưng vẫn còn đó những lời hẹn thề, ngóng trông một cuộc trở về!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để mà nhớ, để mà hy vọng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO