Hồ sơ - Tư liệu

Nữ anh hùng dưới chân Hòn Tàu

Truyện ký của PHẠM THÔNG 27/04/2025 15:31

(QNO) - Ngày 14 tháng Giêng năm 1965, Đội công tác huyện về giải phóng vùng Trung Quế Sơn gồm các xã Sơn Khánh, Sơn Thạch, Sơn Lãnh, Sơn Thắng…

vv.jpg
Huyện Quế Sơn khánh thành Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le vào tháng 12/2022. Ảnh: HỒ QUÂN

Phong trào cách mạng dâng cao, Mỹ Lan gia nhập đội ngũ Thiếu niên Tiền phong, dần dà học tập giác ngộ chị trở thành chiến sĩ liên lạc của Trung đội du kích xã Sơn Khánh.

Năm 1967, nữ du kích 16 tuổi - Mỹ Lan mang súng cacbin, nhón chân theo các anh, các chú làm cách mạng. Từ chân Hòn Tàu - nơi Đội du kích Sơn Khánh tá túc, Mỹ Lan thân gái dặm trường, cô lẻ luồn truông, men ghềnh, băng hố, vượt dốc, lách địch, né mìn, hồi hộp theo từng bước chân, căng mắt quan sát từng bụi cây hòn đá, thủ kỹ công văn, thư từ xuyên đêm, kịp thời đưa tin tức đến các đồng chí lãnh đạo, đến đơn vị các cấp.

Năm 1968, Mỹ Lan thực sự cứng cỏi, chị được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cách mạng, cầm súng trực tiếp chiến đấu trong Đội du kích Sơn Khánh. Gặp Lan, đúng với cái tên Mỹ Lan - non tơ trắng trẻo, người đời dễ nhầm tưởng đấy là một cô gái mềm yếu, đầy nữ tính. Nhưng không! Ẩn sau sự mềm mỏng ấy là một tấm lòng son sắt, một ý chí mạnh mẽ vì nước quên thân.

Hồi còn làm liên lạc, lúc không bận chạy công văn Mỹ Lan xách cacbin ra bìa rừng, mé ruộng nằm chờ gà rừng, cu đất. Mỗi phát đạn từ nòng súng của cô là một cu đất, một gà rừng gãy cánh đem về cải thiện bữa ăn cho đồng đội… Không biết tập tự bao giờ mà Mỹ Lan - một cô gái mới lớn với chất giọng trời ban trong các điệu dân ca truyền cảm trên sân khấu thôn xóm vùng giải phóng, lại trở thành nữ thiện xạ cả súng trường, súng ngắn. Hoàn cảnh chiến tranh, trước cái sống cái chết của bản thân, của người thân và đồng đội buộc cô phải vậy.

Đầu năm 1968, sau Tổng tấn công Mậu Thân, Mỹ từ Cấm Dơi, ngụy từ quận lỵ vượt Dốc Đỏ càn lên Sơn Khánh đánh phá các làng mạc vô cùng ác liệt. Mỹ Lan thường dẫn đầu một tiểu đội du kích án ngữ tại đồi phía bắc cầu Dốc Mỡn, dựa thế công sự đào sẵn, chiến đấu đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của chúng.

Trước hỏa lực dày đặc của địch, Mỹ Lan cùng đồng đội vận động dọc mé đồi, lúc ẩn lúc hiện bắn bia, bắn tỉa, lúc quét trung liên, tiểu liên, ném lựu đạn khiến địch phải khựng lại, không dám liều lĩnh vượt cầu, vượt suối. Suốt năm 1968 chị cùng đồng đội chiến đấu hàng chục trận giữ vững vùng giải phóng.

Trong những ngày đầu của tháng 2/1969, bọn lính Mỹ đóng ở Gò Chè thường lết xuống các xóm của làng Lộc Thượng để truy quét, đốt nhà, bắn giết nhân dân trụ bám, gây nhiều tội ác dã man. Từ căn cứ Cấm Dơi lính Mỹ càn quét lên Sơn Khánh, tối đến chúng co cụm căng tâng đóng tại vườn Bà Dần.

Được người dân trụ bám và các em thiếu nhi cung cấp nguồn tin chắc chắn về địa điểm và các vị trí lều bạt, Bùi Thị Mỹ Lan - Xã đội phó, Lý Công Bính - B trưởng, Bùi Văn Hoàng - B phó, Phan Bá Phước - đội viên du kích Sơn Khánh họp khẩn cấp, bàn phương án tác chiến. Nói là cuộc họp cho “nghiêm trọng” vậy thôi, chứ bốn người ngồi tại một bụi rậm ở bìa làng vừa cảnh giới bọn Mỹ vừa chớp nhoáng bàn và quyết định một vấn đề hệ trọng như chuyện sống chết của bản thân họ.

Chị Lan xác định với đồng đội: “Lực lượng địch một đại đội, đông hơn ta nhiều lần. Nhưng cả ngày hành quân càn quét mỏi mệt, thêm nữa ở vùng này ta chưa đánh tập kích lần nào, chúng có thể chủ quan phân công vài thằng cảnh giới, số đông còn lại chui vào ngủ trong các lều bạt. Đêm nay ta bất ngờ tấn công, nhất định giành thắng lợi”.

Vườn Bà Dần là nơi rất quen thuộc đối với các đồng chí du kích Sơn Khánh. Các anh chị chia làm hai mũi: mũi 1, Bính - Hoàng; mũi 2, Mỹ Lan - Phước. Mũi do anh Bính chỉ huy nhận nhiệm vụ bọc về phía đông, tiếp cận các lều bạt, ném lựu đạn phát hỏa. Từ phía tây, mũi do chị Lan chỉ huy sẽ cùng đánh thốc vào các lều bạt đóng tại trung tâm vườn Bà Dần.

Vào khoảng 12 giờ đêm, bốn anh chị lưng mang đầy lựu đạn, ôm tiểu liên xuất kích. Trời tối mịt, nhưng do thuộc địa hình hai mũi dễ dàng tiếp cận bìa vườn Bà Dần. Phước lom khom dò tới trước, đột ngột chạm vào lều bạt của bọn Mỹ căng trên đường mòn ở mép vườn. Quá bất ngờ, Phước định bỏ chạy, chị Lan nắm thắt lưng kéo lại. Có tiếng động trong lều bạt, chị Lan biết bị lộ, liền phá bỏ phương án chiến đấu có sẵn, lập tức ném lựu đạn, thủ pháo. Hai mũi cùng xông thẳng vào trung tâm vườn Bà Dần, quét tiểu liên, ném lựu đạn vào các lều bạt theo vị trí đã nắm được trước. Bị đánh quá bất ngờ, bọn Mỹ rống lên, bỏ chạy tán loạn trong đêm tối. Đấy cũng là lúc bốn đồng chí của chúng ta rút êm về nơi xuất phát.

Các anh chị chạy đến chiến hào tại vườn nhà ông Lại cách đó không xa, dừng chân để quan sát chúng xử lý như thế nào đối với bọn lính chết và bị thương kia. Chiến hào này sẽ giúp các anh chị tránh rocket, đạn thẳng từ máy bay bắn xuống dọn đường cho trực thăng hạ chở xác chết và lính bị thương, bốn người yên tâm trụ lại.

Lúc nghỉ xả hơi, các anh chị nhìn thắt lưng, mỗi người chỉ còn lại một quả lựu đạn. Như vậy vừa vận động vừa rút ném trong năm bảy phút đến tám quả lựu đạn. Chớp nhoáng khoảnh khắc mà hai mươi bốn quả lựu đạn nổ tung trên một diện tích đất độ hai sào, bọn lính Mỹ chịu chi nổi.

Đúng như nhận định của các anh chị, sau hai mươi phút dứt tiếng súng, ba chiếc trực thăng chiến đấu nhào tới thả pháo sáng, phóng rocket, quét đại liên cực nhanh chung quanh khu vực vườn Bà Dần. Tiếp đến, ba chiếc H34 hạ xuống bãi đất trống khiêng xác chết, lính bị thương, bọn còn sống sót cũng nhảy lên trực thăng bay thẳng về phía Đà Nẵng. Vào 1 giờ khuya, các anh chị lẩn thẩn đi bách bộ về nơi xuất phát. Đêm ấy, các anh chị ngủ chưa thẳng mắt, hôm sau lại dậy sớm lo chống càn, bởi có thể lính Mỹ quay lại trả thù…

Cũng vào năm 1969, một hôm tổ ba người gồm Lý Công Bính, Âu Thị Thu Ba và Bùi Thị Mỹ Lan phục kích địch đi lùng ban đêm tại Giỏ Lò Bó thuộc thôn 1 - Trung Thượng, Sơn Khánh. Trong bóng đêm Mỹ Lan phát hiện địch mò tới, chúng đi im re nhưng không thể qua mặt những chiến sĩ du kích từng trải Sơn Khánh. Lan ra hiệu, tất cả lách vào lề đường, dựa thế bờ cây nằm sát đất chờ địch. Địch đến xáp mặt, ba người đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn liên tiếp. Quá bất ngờ, địch không kịp trở tay, chết tại chỗ nhiều tên, liền bỏ chạy.

Ta rút êm trong đêm tối, đề phòng địch giã pháo tới. Liền sau đó chúng gọi HU1A đến thả pháo sáng, bắn nát đất, một chiếc H34 hạ xuống chở xác. Sáng hôm sau dân trụ bám phát hiện giày dép và nhiều trang thiết bị khác bê bết máu của chúng bỏ lại.

Sau những trận đánh quyết liệt, Mỹ Lan lập được những chiến công nổi trội, chị được kết nạp Đảng ở tuổi mười tám. Đảng viên trẻ Bùi Thị Mỹ Lan có giọng hát hay, chị cũng thường đi kèm những cán bộ binh vận chĩa loa vào đồn địch ca những bài hát, ngâm những bài thơ binh vận đầy tính nhân văn, kêu gọi binh lính bỏ súng quay về với nhân dân. Cùng với đó chị là một nữ xạ thủ cừ khôi, bởi “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Và chị, phải kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong một trận càn của địch, Mỹ Lan bám theo đến Giỏ Lò Bó quan sát thấy bọn lính Mỹ đứng lố nhố trong vườn nhà bà Nguyên ở xóm Tre phía bên kia cánh đồng, cách chị độ 300 mét. Mỹ Lan tì cây CKC vào gốc cây, nổ một phát tên Mỹ nhào đựng, chị lập tức di chuyển nơi khác. Bắn và di chuyển, di chuyển và bắn là động tác điêu luyện của các đồng chí du kích, có như thế các tay súng bắn tỉa mới thoát được những phát đạn M79 phản ứng nhanh của địch.

Một hôm Chi bộ Sơn Khánh tổ chức họp chỉnh huấn đảng viên tại chân núi Hòn Tàu thuộc địa phận Sơn Khánh. Biết tin lính Mỹ kéo lên mấy thôn dưới, lãnh đạo xã phân công tổ du kích ra phía trước cánh giới. Ba chàng du kích trẻ mang súng từ chân Hòn Tàu đi về phía có tin báo. Như thường ngày, ba chàng ung dung khoác súng trên vai đi tự do trong vùng ta làm chủ. Mỹ Lan thấy thái độ mất cảnh giác của họ, không yên tâm nên báo cáo lãnh đạo mang AK bám theo sau.

Vốn tính cẩn trọng và nhạy cảm của một nữ du kích từng trải, chị vừa đi vừa quan sát phía trước kỹ càng. Phát hiện thấy địch phục ở bên kia cánh đồng lại có mấy tên tạt ngang, di chuyển bọc hậu, đón lõng có vẻ như muốn bắt sống du kích của ta, chị lập tức luồn nhanh về phía trước tiếp cận mấy tên lính kia, siết hết một băng đạn, hai tên ngã nhào. Địch phục phía trước bị động nổ súng, ba chàng du kích trẻ bật lui, chạy thoát. Hú vía! Không có Mỹ Lan thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ.

Sau trận gan dạ cứu đồng đội, cấp trên phát hiện khả năng nhận định tình hình và sự nhạy cảm xử lý tình huống, điều động chị về trên, giữ chân trợ lý Huyện đội. Từ lúc này môi trường công tác đổi khác, đòi hỏi trình độ cao hơn, trách nhiệm nặng nề hơn đối với nữ chiến sĩ Mỹ Lan. Nhưng đã là chiến sĩ cách mạng thì dù ở đâu, đảm nhận công tác gì cũng phải ra sức hoàn thành. Bù vào đó, giữ chân Trợ lý Huyện đội có lẽ phần sống nhiều hơn trực tiếp chiến đấu. Nhưng chiến tranh biết đâu là may, biết đâu là rủi, cái chết đến ở mọi ngả, mọi nơi, mọi thời khắc, phận người rất mong manh, đạn tránh người chứ người biết đâu mà tránh…

Năm 1971 địch nống ra chiếm lại nhiều vùng giải phóng Trung Quế Sơn. Suốt mấy ngày liền, lính Mỹ từ Cấm Dơi kéo lên càn quét liên hoàn mấy xã. Từ Cấm Dơi chúng kéo lên Sơn Thắng, qua Sơn Long, Sơn Thạch hăm he đổ quân Sơn Khánh.

Trước lực lượng bộ binh và hỏa lực của địch rất mạnh, du kích các xã lách tránh, bắn bia bắn tỉa, không đối diện chặn địch. Những năm trước các trung đoàn của Sư 2 Quân khu 5 thường đóng quân ở chân Hòn Tàu và trong các làng mạc thuộc Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh nhưng dạo này đi đâu vắng bóng, có lẽ họ đã được điều ra đường 9 Nam Lào.

Không có quân chủ lực của ta đánh trả, Mỹ ngụy được đà nống lên càn quét sát núi Bàn Thùng, Hòn Tàu. Tình hình vùng giải phóng vô cùng căng thẳng, địch xúc tát gần hết dân. Trong lúc các đồng chí lãnh đạo Huyện đội đi dự Đại hội Đảng bộ huyện, Mỹ Lan được phân công về Sơn Khánh - nơi chị quen thuộc địa bàn, chỉ huy du kích xã đánh địch, chống càn lấy khí thế quần chúng.

Sau khi họp bàn phương án tác chiến, du kích Sơn Khánh chia làm ba mũi, Mỹ Lan phụ trách mũi chính gồm Mỹ Lan, Phước, Thám phục tại cầu Nà Léo dưới chân Hòn Tàu, đón địch từ Sơn Thạch kéo sang. Chị quan sát địa hình, bố trí ba người nằm trong bụi rậm trên mép một quãng đường sủng sâu, vết tích do trâu kéo gỗ bào mòn nhiều năm. Địch kéo đến sẽ đi dưới lòng đường, ta chiếm thế trên cao ném lựu đạn, quét AK tiêu diệt chúng. Đúng như nhận định của Mỹ Lan, địch tới!

Địch từ phía bên kia cánh đồng quét đại liên, bắn pháo cối loạn xạ dọn đường. Du kích Sơn Khánh dựa thế bờ đất, đá mọc chờ chúng đến sát nòng súng. Mỹ Lan ném lựu đạn, quét tiểu liên phát hỏa, ba mũi đồng loạt tấn công. Ngay loạt đạn đầu, địch ngã gục nhiều tên, kêu la inh ỏi tháo lui qua cánh đồng. Ta ở trong rừng, trong bờ đất, địch phơi lưng giữa đồng, chín du kích Sơn Khánh đồng loạt quét trung liên, tiểu liên, bắn M79. Địch gục ngã như rạ.

Trước hỏa lực vô cùng mạnh mẽ của ta, bọn lính Mỹ tưởng gặp quân chủ lực, hoảng loạn tháo lui. Các đồng chí du kích cũng thoát lên phía đầu dốc, chạy vài trăm mét lọt qua sườn phía bên kia. Khi địch hoàn hồn phản ứng thì tầm đạn đã vượt đầu, các anh chị lui về nơi xuất phát an toàn. Chỉ là một bộ phận lực lượng nhỏ - du kích Sơn Khánh dựa thế hiểm, bằng lối đánh đối đầu bất ngờ, gây thiệt hại nặng cho địch, bẻ gãy cuộc càn quét lớn của chúng.

Ông Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng bấy giờ về dự đại hội, biết tin thắng trận nóng hổi do nữ Trợ lý Huyện đội chỉ huy, ông tuyên dương chiến công trước đại hội. Quá phấn khởi, ông rút tiền túi cho mua heo mổ thịt chiêu đãi du kích Sơn Khánh. Mỹ Lan, Công Bính… ngồi gắp miếng thịt heo giữa chiến trường mong manh phận người của thủ trưởng cho mà rưng rưng nước mắt tự hào, ghi nhớ đời chinh chiến.

Cũng trong năm 1971, tàu rọ của Mỹ từ Cấm Dơi luồn lách sát ngọn cây bay lên vùng giải phóng Sơn Khánh, đánh phá nát làng xóm, gây biết bao đau thương cho du kích, bộ đội và người dân trụ bám. Đây là loại máy bay chỉ cơ cấu kín khoang lái trước, phía sau trống trơn như chiếc rọ heo, dân mình thường gọi tàu rọ. Thấy người, phát hiện lều tranh nấp dưới bụi cây, lau lách là lập tức bắn nát đất; quan sát thấy người không mang súng là thả lưới sắt hốt kéo lên máy bay.

Du kích Sơn Khánh tức lắm, phục bắn cho chúng khiếp sợ, bớt lộng hành. Mỹ Lan cùng Công Bính kiên trì phục kích chờ cơ hội. Một hôm chiếc tàu rọ nghênh ngang bay sát đường Đèo Le hướng lên phía Hòn Tàu. Máy bay cách độ 50 mét, hai đồng chí Lan, Bính nổ súng. Chiếc tàu rọ đang đà lao tới, trồng đứng loang choạng, đâm thẳng vào vách núi Hòn Tàu. Hai chiếc cá lẹp (HU1B) bay yểm trợ, chúi xuống phóng rocket, bắn cối cá nhân. Mỹ Lan, Công Bính biến vào bìa rừng, chạy thoát…

Trong quá trình chiến đấu, Bùi Thị Mỹ Lan lập nhiều thành tích vang dội, chị được đề bạt lên Huyện đội phó, cùng với các đồng chí lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang huyện cho đến ngày toàn thắng.

Bây giờ cô du kích Mỹ Lan năm xưa đã trở thành bà nội, bà ngoại trên bảy mươi tuổi sống an vui tuổi già cùng người chồng Trần Duy Nhất - người bạn chiến đấu, người cùng vào sinh ra tử trong thời kháng chiến năm xưa.

Về Quế Sơn sưu tầm tư liệu chiến tranh, tái hiện những hành động, sự tích và con người đã một thời không tiếc máu xương, chiến đấu hy sinh giữa thời khói lửa, tôi gặp Mỹ Lan - một nữ du kích đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Chị tâm sự: “Mình sinh ra, lớn lên giữa thời nước mất nhà tan buộc phải chiến đấu vì đất nước, quê hương. Tôi còn sống, có chồng, có con, có cháu là vô cùng may mắn. Danh hiệu Anh hùng nhà nước phong tặng cho tôi là do thời thế tạo nên”.

Chị rưng rưng nhìn về phía Hòn Tàu xanh thẳm bình yên: “Nơi ấy, đồng chí của tôi hy sinh nhiều lắm. Họ còn rất trẻ, chưa qua mười tám đôi mươi. Nhiều người từ miền Bắc đến đây hỏi tìm hài cốt người thân đang lẩn khuất nơi hóc đá, bờ lau trên sườn núi kia. Vợ chồng tôi là nhân chứng luôn cố nhớ, cố hồi tưởng để hài cốt của đồng đội được đưa về quê hương xứ sở. Vợ chồng tôi nguyện khi nào còn sống, còn sức khỏe thì luôn canh cánh bên lòng nghĩa cử đó”.

Chiến tranh mà! Đồng chí của tôi ơi!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ anh hùng dưới chân Hòn Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO