Để múa thiên cẩu không vào quá vãng

VIỆT NGUYỄN 30/09/2023 15:04

Múa thiên cẩu là hình thức diễn xướng dân gian đặc biệt ở Hội An. Hình thức sinh hoạt văn hóa này đang phai nhạt dần, cần các giải pháp bảo tồn để gìn giữ.

Múa thiên cẩu cần được gìn giữ và lan tỏa giá trị. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Múa thiên cẩu cần được gìn giữ và lan tỏa giá trị. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Kén người xem

Ở TP.Hội An có rất nhiều cơ sở chế tạo đầu lân, sư, rồng nhưng chế tác linh vật thiên cầu thì chỉ có ở cơ sở của anh Nguyễn Hưng (thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà).

Anh Hưng nói: “Tôi đang chế tạo rất nhiều đầu lân, sư, rồng theo đơn hàng nhưng không có ai đặt chế tác đầu thiên cẩu nên tự làm vì… nhớ, chắc sẽ tặng Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An”.

Tết Trung thu Hội An vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại lễ đón nhận bằng di sản vào trung thu sắp tới, dự kiến bộ ảnh về nghệ thuật diễn xướng múa thiên cẩu của nhiếp ảnh gia Quảng Hai thực hiện ở các đình, chùa Hội An sẽ được triển lãm. Đây cũng là động thái tôn vinh nghệ thuật múa thiên cẩu.

Thời nay người ta chuộng múa lân, sư, rồng hơn thiên cẩu vì âm nhạc phụ họa hấp dẫn hơn, dễ thu hút. Múa thiên cầu thiên về nghệ thuật trình diễn, kén chọn người thưởng lãm. Tiết tấu của múa thiên cẩu chậm rãi, ít tạo hứng khởi, rộn rã như múa lân, sư, rồng.

“Muốn uốn nắn đầu thiên cẩu phải có hiểu biết về văn hóa biểu diễn thiên cẩu. Làm đầu thiên cẩu kỳ công hơn đầu lân, sư, rồng rất nhiều, phải thật tỉ mỉ trong mọi công đoạn. Chẳng hạn tạo tác cái tai thiên cẩu hình con cá lồi ra rất khó. Rồi đắp cái sừng cao tạo dáng vẻ oai thiêng. Rồi uốn nắn tre, mây thật dẻo để tôn lên mắt thiên cẩu có mang, có vẩy như vẩy rồng…” - anh Hưng nói.

Ngày trước ở Hội An cứ vào hội trung thu, Tết Nguyên đán, dịp khai trương nhà hàng, quán xá thì đội múa thiên cẩu được mời đến biểu diễn để cầu may. Đầu thiên cẩu nặng, cần đến ít nhất 2 người múa luân phiên. Đội múa thiên cẩu có thêm người cầm xập xõa, thanh la… nhiều người nên chi phí tăng lên.

Anh Trương Hoàng Vinh - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Múa thiên cẩu ngày càng ít ỏi vì không có đất diễn, ít được mời nên có chăng các lò võ tự duy trì cho hoạt động của họ thôi”.

Theo công trình nghiên cứu “Múa thiên cẩu” của các tác giả Trần Văn An và Trương Hoàng Vinh (đều công tác trong ngành bảo tồn văn hóa Hội An), trước đây ở Hội An chỉ có duy nhất múa thiên cẩu, không có múa lân, sư, rồng.

Múa thiên cẩu có nguồn gốc từ người Hoa, qua tiếp biến văn hóa từ các võ đường và nghiệp đoàn bốc vác Hội An đã trở thành nghi thức diễn xướng dân gian đặc sắc, là tinh hoa và nhắc nhớ ngọn nguồn văn hóa.

“Phải chăng thời nay người ta thích những gì nhanh, gọn nên múa thiên cẩu không còn nhận được sự thiết tha, thu hút lớn như ngày trước? Cái khó của múa thiên cẩu phải vận dụng nhiều thế võ, lại hết sức tinh tế, khéo léo, thể hiện sinh động dũng mãnh của chó nhà trời nên người ta ngại” - anh Vinh nói.

Gìn giữ để phát huy giá trị

Theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, giữ gìn để phát huy các giá trị văn hóa của diễn xướng dân gian múa thiên cẩu không quá khó bởi thành lập đội múa thiên cẩu không tốn quá nhiều vật chất, thời gian.

Bài biểu diễn của thiên cẩu gồm 2 phần, thứ nhất là thiên cẩu và ông địa xuất động, vái chào. Phần 2 là biểu diễn các tư thế của thiên cẩu gồm ăn, xỉa răng, chìm vào giấc ngủ, thức dậy vươn vai liếm đuôi, gãi tai, vui đùa với ông địa, lộn qua các chướng ngại, lạy tạ. Một khi được tập hợp đủ thành viên, các bậc “trưởng lão” của nghệ thuật diễn xướng múa thiên cẩu sẽ giảng dạy lại các quy trình thao tác, học viên tiếp thu, tiếp nối duy trì.

Anh Trương Hoàng Vinh cho rằng, múa thiên cẩu sẽ được khôi phục nếu có được môi trường mới để hoạt động. Mỗi xã, phường, trường học, lò võ đều có thể gầy dựng một đội múa thiên cẩu. Múa thiên cẩu một khi được đưa trở lại biểu diễn ở các lễ hội, nhất là diễn xướng ở phố đi bộ, thu hút người thưởng thức, có mặt thường xuyên, liên tục thì dần dà sẽ không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa của Hội An.

“Chùa Cầu Hội An thờ thiên cẩu. Múa thiên cẩu dọc theo các tuyến phố xung quanh Chùa Cầu mỗi đêm là rất phù hợp và đây cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, tương tự như bài chòi rất nổi bật thời gian qua ở phố cổ. Rất cần giảng dạy múa thiên cẩu trong các võ đường, trường học và các địa phương để lan tỏa giá trị văn hóa” - anh Vinh nói.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, vào các dịp lễ hội lớn như hành trình di sản, giao lưu văn hóa Việt - Nhật, sẽ mời các đội múa thiên cẩu biểu diễn, từng bước gắn kết di sản diễn xướng này với các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để múa thiên cẩu không vào quá vãng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO