(QNO) - Hôm nay 19/6, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Quốc hội tiến hành thảo luận nội dung dự thảo luật này tại tổ.
Thảo luận tại Tổ 5, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều 11 một khoản quy định hành vi “cấm sản xuất, buôn bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giả, kém chất lượng”.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, thực tiễn hiện nay bình chữa cháy giả, kém chất lượng với giá khá hấp dẫn trên thị trường; hay như cột chữa cháy xây dựng lên nhưng không cơ quan nào kiểm tra dẫn đến không có nước, không hoạt động được. Điều này rất nguy hiểm nếu cháy nổ xảy ra, không thể chủ động kịp thời dập tắt đám cháy. Vây nên phải đưa nội dung này vào điều cấm.
Về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu cho biết việc hướng dẫn xây dựng phương án về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác PCCC của từng loại hình, công năng sử dụng thời gian qua cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau, chắp vá và không đồng bộ.
Do đó, dự thảo luận quy định tại Điều 14 nội dung “Khi lập, điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư, khu - cụm công nghiệp, thiết kế xây dựng mới, phương tiện giao thông cơ giới thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC…” là hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị việc quy định này phải mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đối với phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC và CNCH, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung “tai nạn giao thông hàng hải, hàng không” vào phạm vi hoạt động CNCH của lực lượng PCCC và CNCH quy định tại khoản 2, Điều 33 để tham gia phối hợp khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.
Về lực lượng PCCC và CNCH, theo đại biểu thì Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định tại Điều 9 về hỗ trợ PCCC, CNCH. Theo đó, quy định “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động PCCC, CNCH trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động”.
Tuy nhiên, lực lượng PCCC và CNCH (Điều 40) theo dự thảo Luật PCCC và CNCH lần này không sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng lại thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, PCCC và CNCH cơ sở, chuyên ngành (Điều 41) và trở thành lực lượng chính PCCC và CNCH. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề trên giữa 2 luật như vậy có thống nhất chưa, tại sao lại vẫn tồn tại lực lượng dân phòng; quy định như dự thảo luật thì ở thôn, tổ dân phố lại tồn tại 2 lực lượng có cùng nhiệm vụ chồng lấn lên nhau.
Phương tiện PCCC và CNCH, dự thảo luật quy định gồm 4 lực lượng PCCC và CNCH, tuy nhiên việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH chỉ quy định đối với lực lượng dân phòng; cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới (Điều 46) và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (Điều 47) nhưng không quy định đối với lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành.
Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị xem xét, bổ sung quy định “Trang bị phương tiện đối với lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành” vào dự thảo luật.
Về trang bị đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu cho rằng việc quy định “Hộ gia đình trong phạm vi khả năng, điều kiện tự trang bị phương tiện PCCC, CNCH” là chưa rõ, chưa đảm bảo công tác PCCC tại chỗ, kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh. Vì vậy, đề nghị cần quy định cụ thể từng khu vực thành thị, nông thôn, từng lĩnh vực kinh doanh… để trang bị bắt buộc phương tiện phòng cháy tương ứng.
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, CNCH, ngoài chế độ bảo hiểm, trợ cấp khi bị thương, chết quy định tại dự thảo luật, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung chính sách khen thưởng kịp thời đối với cán bộ, chiến sĩ, người dân dũng cảm dập tắt đám cháy, cứu người trong các vụ cháy, sự cố xảy ra.
Việc quy định đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về PCCC theo nội dung và lộ trình do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định; đại biểu cho rằng nội dung này là công tác quản lý nhà nước, thuộc chuyên môn ngành, không phải quy định về cơ chế, chính sách, định mức kinh phí tại địa phương. Do đó, nên giao thẩm quyền này cho UBND tỉnh, hoặc cơ quan công an cấp tỉnh quy định nội dung và lộ trình là phù hợp.