(QNO) - Chiều nay 13/11, Sở KH&CN Quảng Nam tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, Núi Thành”. Đề tài do Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chủ trì thực hiện; Ths.Phạm Bá Trung làm chủ nhiệm.
Theo Ths.Phạm Bá Trung, đề tài đã thực hiện hoàn thành các nội dung công việc với kết quả như sau: Đề tài đã ghi nhận tại vùng biển ven bờ xã Tam Hải có khoảng 629 loài sinh vật thuộc 213 họ khác nhau trong các hệ sinh thái ven bờ. Các nhà khoa học cũng ghi nhận một số thành phần loài ở khu vực biển Tam Hải và lân cận có nguy cơ tuyệt chủng. Cụ thể, có 3 loài cá, 4 loài san hô và động vật thân mềm có 5 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hồ sơ khu bảo tồn biển xã Tam Hải và các vùng lân cận có tổng diện tích 8.260ha, được chia làm 4 khu vực: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở phía đông Hòn Mang - Hòn Dứa với diện tích 200ha. Phân khu phục hồi sinh thái ở Rạn Mơ - Hòn Mang - Hòn Dứa với diện tích 1.030ha. Phân khu dịch vụ hành chính nằm ở phía ngoài biển với diện tích 5.130ha và vùng đệm phía trong vũng An Hòa với diện tích 1.900ha.
Từ kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Nam tiến hành thành lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 vào hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó tăng cường hiệu quả phục hồi, bảo vệ và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; các cơ quan chuyên ngành có thể tham gia hướng dẫn và giám sát hiệu quả của hình thức quản lý này.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài cho rằng nhóm nghiên cứu đã thực hiện một khối lượng công việc tương đối lớn, tuy nhiên cách trình bày báo cáo khoa học chưa hợp lý, chưa cô đọng.
Nhiều ý kiến phản biện cũng băn khoăn về phương pháp nghiên cứu và hình thức trình diễn dữ liệu; đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu dự báo tác động của việc thành lập khu bảo tồn biển đến hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực và ngược lại. Đặc biệt, cần đề xuất cụ thể mô hình quản lý, vận hành khu bảo tồn trong tương lai...