Cơ hội đầu tư

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong phát triển công nghiệp, thương mại

KHÁNH LINH 17/11/2023 14:24

(QNO) - Để chuẩn bị nội dung phục vụ các kỳ họp thứ 17 và 18, HĐND tỉnh khóa X, sáng nay 17/11 Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Công Thương và Sở KH-ĐT để nghe báo cáo tình hình phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công Thương sáng 17/11. Ảnh: K.L
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công Thương sáng 17/11. Ảnh: K.L

Theo báo cáo của Sở Công Thương, qua 10 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) giảm 28,75% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,39%; công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 30,39%; sản xuất và phân phối điện giảm 22,45%...

Toàn tỉnh hiện có 92 cụm công nghiệp (tổng diện tích trên 2.280ha) thu hút 377 dự án sản xuất, kinh doanh đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án gần hơn 15,9 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 67.830 người.

Về hạ tầng thương mại, Quảng Nam có 202 cửa hàng xăng dầu; 3 siêu thị và trung tâm thương mại; 160 chợ với tổng số hộ kinh doanh khoảng 23 nghìn hộ. Ngoài ra, nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini, quầy tạp hóa, cửa hàng sản phẩm sạch...) cũng nở rộ, góp phần đảm bảo hạ tầng thương mại địa phương và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại buổi làm việc, một số nội dung liên quan của ngành công thương cũng được báo cáo thảo luận như bổ sung điểm mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tầm nhìn đến năm 2030. Phân tích, đánh giá những tác động về lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất rừng (nếu có), các công trình hạ tầng, đời sống nhân dân xung quanh khu vực điểm mỏ.

Qua 10 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Nam giảm 28,75% so cùng kỳ. Ảnh: K.L
Qua 10 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Nam giảm 28,75% so cùng kỳ. Ảnh: K.L

Đáng chú ý, những vướng mắc, hạn chế về quản lý thương mại, công nghiệp cũng đã được Sở Công Thương báo cáo tại buổi làm việc như hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đầu tư hạ tầng thương mại miền núi, phát triển thương mại điện tử và xúc tiến thương mại…

Ngoài ra, một số bất cập về nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước của Sở Công Thương hay đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp liên quan đến Nghị quyết 34/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh… cũng được phân tích, thảo luận dịp này.

Kết luận buổi làm việc, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo của Sở Công Thương, đánh giá cao hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP thời gian qua. Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp, thẩm tra chung trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trình HĐND trong kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong phát triển công nghiệp, thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO