(QNO) - Mở cửa đón khách giữa cuối tháng 1/2024, CSO Gallery (đường Cửa Đại, TP.Hội An) là không gian của những kỷ lục Việt Nam, nơi mang đến nhiều bất ngờ thú vị về văn hóa lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực tem, tiền xu, tiền giấy và truyện Kiều.
Tọa lạc tại địa chỉ 229 đường Cửa Đại (TP.Hội An), CSO Gallery là ngôi nhà 3 tầng được phân chia thành 6 khu vực trưng bày 77 bộ sưu tập, gồm truyện Kiều, tiền xu, tiền giấy, tem Việt Nam và của 200 quốc gia trên thế giới. Tổng số hơn 20 nghìn vật phẩm có niên đại từ 50 năm đến trên 2.000 năm tuổi.
Ấn tượng nhất là các bộ sưu tập chủ đề truyện Kiều. Bảo tàng hiện trưng bày hơn 10 bộ sưu tập với 1.630 ấn phẩm và hơn 600 ấn phẩm được đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh… Nổi bật là ấn bản truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm và bản thảo; ấn bản truyện Kiều cuối thế kỷ 19 và 20; ấn bản truyện Kiều ngoại văn xuất bản tại 16 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Ý, Thụy Điển, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Syria…); ấn bản bộ sưu tập truyện Kiều của thiền sư Thích Nhất Hạnh; tranh Kiều; hiện vật truyện Kiều (đá nghệ thuật, bình sứ, đĩa CD…), lịch truyện Kiều, truyện Kiều trong thời trang...
Tầng 2 bảo tàng là không gian trưng bày 58 bộ sưu tập tiền xu và tiền giấy quý hiếm. Nhiều nhất là đồng tiền xu với 47 bộ sưu tập. Một số bộ sưu tập khá độc đáo như đồng xu động vật, bộ sưu tập đồng xu in năm Hồi giáo (AH year), bộ sưu tập đồng xu chất liệu bằng sứ của Đức và Nhật Bản, bộ sưu tập đồng xu Nữ hoàng Anh, bộ sưu tập tiền xu cổ Việt Nam và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Pháp, Ý, Thụy Sĩ…
[VIDEO] - Không gian trưng bày hiện vật bên trong SCO Gallery
Trong đó, bộ sưu tập tiền xu cổ Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 980) đến thời Nhà Nguyễn (1945) được xem là có niên đại lâu nhất mà ngày nay còn biết được.
Riêng với tiền giấy cũng khá ấn tượng với 11 bộ sưu tập như tiền giấy in đè (1902-1989), tiền giấy Việt Nam (1903-1994), tiền giấy phụ nữ (1883-2018), tiền giấy khẩn cấp, tiền giấy quân đội (thế kỷ 17 - 1973), tiền giấy kích thước nhỏ nhất và lớn nhất (1896 - 1941), tiền giấy có mệnh giá lớn nhất…
Không gian trưng bày các bộ sưu tập tem theo chủ đề rất giá trị như bộ sưu tập tem ngựa thế giới (1891 - 2017), bộ sưu tập tem in đè thế giới - thuộc địa và chiếm đóng (1873 - 1973), tem Chủ tịch Hồ Chí Minh (1956-2020), tem ấn tượng và tem đục lỗ, tem nuôi chó ở Ireland (1898 - 1904), tem câu cá ở Mỹ, tem săn bắn, tem thuế thu hoạch khoai tây, tem thuế khoáng sản... CSO Gallery như thế giới thu nhỏ của những chiếc bưu tem đầy màu sắc, sinh động từ cổ kính đến hiện đại.
Ngoài ra, CSO Gallery còn trưng bày, giới thiệu một số bộ sưu tập chủ đề như huy hiệu Trung đoàn Anh trong thế chiến I và II (1881-1969), đồng hồ xem được giờ 200 quốc gia trên thế giới, cây đồng xu may mắn…
[VIDEO] - Nhà sưu tầm truyện Kiều Trần Hữu Tài – điều hành CSO Gallery
Theo ông Trần Hữu Tài - điều hành CSO Gallery, di sản văn hóa không chỉ là những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn là những câu chuyện lịch sử, những giá trị tinh thần được truyền tải một cách sinh động, đầy cảm xúc. CSO Gallery chính là hành trình ngược thời gian, khám phá những di sản văn hóa độc đáo đó.
“Nếu các ấn bản truyện Kiều thể hiện sự trân trọng và lưu giữ của người Việt đối với quốc bảo văn học nước nhà, thì tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, phản ánh những thay đổi về kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân loại. Trong khi đó, mỗi con tem là một câu chuyện, ký ức tuổi thơ, là những thăng trầm của năm tháng. Ra đời CSO Gallery, chúng tôi muốn đề cao giá trị văn hóa, lịch sử mà các hiện vật mang lại, bởi mỗi hiện vật đều ẩn chứa một câu chuyện lịch sử của riêng mình”.
Ông Trần Hữu Tài
Ông Trần Hữu Tài (50 tuổi) đồng thời cũng là nhà sưu tầm nổi tiếng được sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục là người sưu tầm truyện Kiều nhiều nhất Việt Nam (năm 2022) và người lập kỷ lục Việt Nam về bộ sưu tập tem linh vật ngựa (năm 2023).
Để có những bộ sưu tập quý giá này, ông Trần Hữu Tài đã bỏ công sức, tiền bạc và hơn 20 năm lặn lội khắp nơi trong ngoài nước, kể cả mày mò học chữ Hán, nghiên cứu tài liệu cổ nhằm thỏa mãn đam mê và ước muốn lưu giữ những giá trị, tinh hoa của nhân loại.