(VHQN) - Phát triển du lịch các tỉnh miền núi Quảng Nam là một nội dung được quan tâm đặc biệt từ nhiều năm nay, không chỉ với các cấp chính quyền, người dân. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng mong muốn có cơ hội đầu tư tại đây.
Đánh thức
Một thời gian dài, bắt đầu từ mốc Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản thế giới (năm 1999), dẫu Quảng Nam có lúc trở thành một trong những tâm điểm du lịch thế giới, nhưng không gian du lịch phía tây của tỉnh vẫn chưa được khai thác.
Khoảng cách địa lý giữa các địa phương miền núi với di sản Hội An, Mỹ Sơn chưa đầy 2 giờ đường chim bay. Các giá trị thiên nhiên, thắng cảnh, lịch sử, văn hóa bản địa được xem là đặc sắc, riêng biệt.
Tuy nhiên, chừng ấy năm, không gian này cũng chỉ phục vụ chừng mực một nhóm nhỏ khách du lịch địa phương trong vùng và một tệp khách du lịch quốc tế nhỏ lẻ với nhu cầu khám phá, tự do. Thắng cảnh phía tây chưa thực sự trở thành điểm du lịch chính không thể bỏ qua trong hành trình du lịch tại miền Trung của đa số đơn vị lữ hành.
Điểm lại, trước đây, đã có một số doanh nghiệp du lịch đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nhiều trở ngại về biến đổi khí hậu, giao thông miền núi còn nhiều cản trở và hoạt động thu hút khách với quy mô nhỏ nên khó duy trì hoạt động du lịch thường xuyên.
Gần đây, Cổng trời Đông Giang được một doanh nghiệp lớn tiên phong đầu tư, mở ra tuyến điểm tham quan mới cho khu vực, bước đầu khai thông được cung đường du lịch phía tây Quảng Nam. Và điểm đến này như một điểm dừng chân chính trên cung đường “Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang” - đây là tín hiệu mừng để thu hút thêm các doanh nghiệp tiếp theo tin tưởng vào việc đầu tư và khai thác du lịch tại khu vực này.
Nhìn sâu vào thách thức
Tuy nhiên, với góc độ doanh nghiệp, việc đầu tư vào miền núi có nhiều trở ngại nhất định, nếu không đủ nguồn lực mạnh mẽ sẽ “đứt gánh giữa đường”. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nào vượt qua được các rào cản này thì sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh to lớn, không có đối thủ, dư địa kinh doanh rộng rãi.
Tôi nghĩ, sau đại dịch, Quảng Nam đang trở lại đà phát triển du lịch mạnh mẽ. Năm 2024, du lịch Quảng Nam đánh dấu nhiều thành tựu ấn tượng về số lượng thu hút khách quốc tế và nội địa, nhiều giải thưởng du lịch truyền thông trong nước và quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, Quảng Nam cũng thực hiện nhiều hợp tác liên kết mở rộng với các tỉnh thành trong nước và các thị trường quốc tế mới ở khu vực châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia...
Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để phát triển du lịch phía tây Quảng Nam là cần thiết, cần làm nhanh chóng và quyết liệt hơn để hình thành sản phẩm du lịch tại đây.
Nhìn sâu hơn, vẫn có khá nhiều thách thức và khó khăn hiện hữu ở các địa phương miền núi Quảng Nam. Từ điều kiện giao thông, cung đường kết nối từ các trung tâm du lịch chính trong khu vực như Hội An, Mỹ Sơn, hay Đà Nẵng với đường núi vòng vèo, cản trở đi lại mùa mưa, bão lũ; điều kiện cơ sở dịch vụ du lịch chưa nhiều và hoàn thiện, nhân sự có tay nghề kỹ năng du lịch còn nhiều thiếu hụt…
Đó là những thách thức lớn của các địa phương miền núi xứ Quảng. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, nếu chúng ta tham khảo các địa phương cũng có miền núi khác như Sa Pa, Hà Giang... để thấy họ vẫn từng bước cải thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu... để thu hút khách. Có địa phương thu hút khách vượt trội nhờ vào các giá trị tương đồng như miền núi Quảng Nam.
Gõ cửa và đặt hàng đầu tư
Để có thể phát triển du lịch miền núi Quảng Nam, ở góc độ doanh nghiệp du lịch, tôi nghĩ cần xây dựng chính sách phát triển, thu hút đầu tư lâu dài cho vùng núi, khai thông nguồn lực xã hội.
Chính quyền, các nhà hoạch định chính sách du lịch Quảng Nam cần nghiên cứu quy hoạch không gian phát triển du lịch và ban hành rộng rãi chính sách thu hút nhiều nguồn lực xã hội khác nhau, trong nước và kể cả quốc tế, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu đầu tư vào khu vực này.
Địa phương cần mạnh dạn gõ cửa, đặt hàng cho từng tập đoàn trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư khu vực tiềm năng này. Nội dung đầu tư phải mang tính đột phá, kể cả làm đường cao tốc từ phía nam lên phía tây, thậm chí đầu tư đường sắt du lịch, cáp treo theo công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Việc này có thể tham khảo đường sắt du lịch tại Busan, Hàn Quốc mới đây. Tuyến đường sắt như một sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc biệt và cuốn hút du khách ngay khi đưa vào hoạt động. Cũng cần đảm bảo hạng mục đầu tư là suốt đời, vĩnh viễn để doanh nghiệp an tâm cam kết bố trí nguồn lực dài hạn với chiến lược lâu dài.
Cần tổ chức thường xuyên định kỳ các hội thảo kêu gọi đầu tư du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hoặc các diễn đàn đầu tư tại các nước trong khu vực. Cần thiết xây dựng chính sách hợp tác công tư trong nhiều nội dung mà nhà nước không đảm đương hết ở thời điểm nguồn lực hạn chế, phân tán; đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính giữa các địa phương thời gian đến.
Về ngắn hạn, cần triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện đường sá, giao thông miền núi hiện nay, như du lịch marathon quốc tế, trail race, du lịch trải nghiệm bằng xe máy, xe mô tô, các cuộc thi xe địa hình, caravan, trải nghiệm du lịch mạo hiểm…
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Chính quyền Quảng Nam cần đầu tư ngân sách nhất định, đủ lớn cho công tác xúc tiến du lịch. Một điểm đến còn nhiều khó khăn thì mức đầu tư đảm bảo cho các hoạt động khởi động ban đầu rất cần thiết. Các hợp tác công tư cũng cần phát huy, đảm bảo thu hút nguồn lực xã hội.
Cần xây dựng gói tài chính đủ thuyết phục, khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp tiên phong xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú, homestay tại miền núi.
“Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, vì vậy không có gì là chậm trễ nếu chúng ta không bắt đầu từ xúc tiến các nội dung ngắn hạn “lấy ngắn nuôi dài” quyết liệt, nhất quán hơn nữa. Du lịch miền núi Quảng Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch sớm hay muộn trong bản đồ du lịch quốc tế, phụ thuộc vào việc thực thi và triển khai các kế hoạch ngắn hạn lúc này.