Quảng Nam đã ban hành và đang tập trung thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt ra nhiều mục đích; trong đó chú trọng phổ biến sâu rộng Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt là các điểm mới so với luật cũ.
Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2024 với 16 chương, 260 điều; có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Nhiều chuyên gia đánh giá, so với luật hiện hành, Luật Đất đai sửa đổi 2024 có nhiều điểm mới.
Đáng chú ý là Luật Đất đai 2024 hướng đến cân bằng lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp, trong đó nổi bật là cơ chế thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cơ chế này sẽ làm cho giá đất thực hiện dự án cao lên, bám sát thị trường. Và để cân bằng lợi ích các bên, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh cho phù hợp.
Theo quy định của luật thì hằng năm các địa phương sẽ ban hành bảng giá đất, đây là cơ sở để cả doanh nghiệp và người dân thỏa thuận (Luật Đất đai 2013 quy định định kỳ 5 năm công bố bảng giá đất). Cơ chế này được xem là hướng tháo gỡ hiệu quả những điểm nghẽn lâu nay trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của các địa phương.
Quảng Nam cũng vậy, thậm chí được cho là bức thiết bởi hành trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, triển khai đầu tư hạ tầng, tái thiết nơi mới an toàn cho người dân... vẫn đang sôi động, rất cần những cơ chế hữu hiệu để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Những điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng lâu nay đã được nhận diện, với thực trạng ì ạch ở nhiều dự án, làm giảm động lực phát triển, nhưng không dễ tháo gỡ. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, ở nhiều trường hợp vẫn chưa sát thực tế.
Có thể lấy ví dụ về một số “điểm nghẽn” trong Quyết định số 42 ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Một số quy định trong quyết định này, được nhiều địa phương ghi nhận rất khó áp dụng trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Như ở Tam Kỳ, trong các cuộc họp về những vướng mắc của Quyết định số 42, đại diện địa phương đều nêu trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật trên lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường - giải phóng mặt bằng gặp phải một số khó khăn do quy định chưa rõ ràng, việc hiểu và áp dụng quy định của từng cơ quan chưa đồng nhất.
Cụ thể, về chính sách bố trí đất tái định cư (điểm a, khoản 2, Điều 46, Quyết định số 42) với quy định đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất tái định cư và đối tượng được bố trí lô đất tái định cư thứ hai trở đi, khi thực hiện đều nảy sinh vướng mắc...
Chính vì những vướng mắc đã từng gặp phải và cần cơ chế sát thực tế hơn, nên trong Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh đã đặt ra yêu cầu các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền về các nội dung quy định thi hành Luật Đất đai phải đảm bảo đồng bộ, thực hiện thống nhất kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn dưới luật có hiệu lực thi hành.
Kế hoạch đã đặt ra 17 “đầu việc” cho ngành chức năng về tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh quy định chi tiết hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao; trong đó tập trung xây dựng các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong quá trình sử dụng đất, đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất.
Những “đầu việc” này được cho là hết sức quan trọng, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất và được kỳ vọng là lời giải hợp lý nhất cho nhiều tình huống nảy sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng thời gian qua. Bởi vậy, điểm mới về Luật Đất đai năm 2024 rất được nhiều người chờ đợi sẽ đi vào thực tế đời sống bằng các văn bản dưới luật.