PCI phải tiếp tục thuộc nhóm có chỉ số tốt; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp… Đó là yêu cầu được UBND tỉnh đưa ra để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cải thiện chỉ số PCI vẫn đang được chính quyền, cơ quan của tỉnh nỗ lực từng ngày. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại trung tâm hành chính công.Ảnh: T.DŨNG |
Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
PCI 2017 Quảng Nam tăng cả điểm số, thứ hạng, là một trong bốn địa phương thuộc nhóm điều hành tốt, xếp thứ 2/12 khu vực duyên hải miền Trung. Vị thứ 7/63 tỉnh, thành duy trì 3 năm liên tiếp; Quảng Nam cũng nằm trong tốp nhóm 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
Thống kê trên được xem là chỉ dấu lạc quan cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Nam. Nhưng không nhiều người nghĩ vậy. Ông Võ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam cho hay không chỉ 3 chỉ số thành phần bị tụt hạng khá sâu (chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh thiếu sự bình đẳng) mà ngay 6 chỉ số (tính minh bạch, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai) có sự cải thiện rõ rệt điểm số, thứ hạng, vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn. Kết quả khảo sát cho thấy 67% doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng mối quan hệ giữa cá nhân và cán bộ công chức nhà nước vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng tiếp cận thông tin, các loại tài liệu quan trọng của tỉnh, tăng 4% so năm 2016. Có 59% doanh nghiệp phải “thỏa thuận” khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là một công việc quan trọng. Tỷ lệ này tăng 11% so năm 2016.
Không chỉ số ngày thay đổi để đăng ký kinh doanh tăng lên 1,5 ngày; 13% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới hoàn thành tất cả thủ tục để chính thức hoạt động; chỉ 13% doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh bằng phương thức mới như trực tuyến, bưu điện... Đó là “mảng tối” của chỉ số gia nhập thị trường. Doanh nghiệp than phiền về chuyện gặp khó khi mở rộng mặt bằng kinh doanh và mức độ rủi ro thu hồi đất gia tăng. Chỉ có 53% (giảm 12%) doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 76% doanh nghiệp cho biết họ đã gặp nhiều cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh (đứng vị thứ 37/63 tỉnh, thành), 17% doanh nghiệp cho rằng giải phóng mặt bằng chậm (vị thứ 30/63 tỉnh, thành).
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn chưa thể khắc phục. 75% doanh nghiệp nói thẳng có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi ở các sở, ngành và 60% doanh nghiệp than phiền những chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh không được thực hiện tốt ở cấp huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, việc đào tạo lao động để có đội ngũ công nhân cung ứng cho doanh nghiệp còn thiếu, những dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp còn thấp hơn nhiều so với các địa phương khác và chỉ có 39% doanh nghiệp nói lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và nghiêm túc kỷ luật những cán bộ nhũng nhiễu...
Mệnh lệnh cải cách
Khoảng trống về cải thiện môi trường đầu tư đã được nhận diện thông qua những phân tích trên. Hơn 7 tháng qua, đã có khá nhiều chương trình, kế hoạch cải thiện, không ít cuộc đối thoại, tiếp xúc, tham vấn doanh nghiệp, nhưng những điểm nghẽn trên vẫn chưa thể tháo gỡ. Một bản tổng hợp ý kiến doanh nghiệp mới đây của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho thấy kiến nghị hay vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai (giao đất, thuê đất, thỏa thuận địa điểm), cấp điện, nguồn nước, giải quyết thủ tục hành chính… Nhiều doanh nghiệp thẳng thắn nói những chỉ thị, chính sách, kế hoạch cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí… của chính quyền đúng đắn rất quan trọng, nhưng lại không mang tính quyết định. Doanh nghiệp chỉ mong những cải cách thực tế hơn, đừng “trên nóng, dưới lạnh”. Điều doanh nghiệp cần chính là không gian niềm tin, quan niệm hợp tác từ các cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, các cuộc cà phê doanh nhân… chỉ để ghi nhận, lắng nghe mà không giải quyết kịp thời, đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp thì dẫn đến nguy cơ thiếu niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý.
Có lẽ thấu hiểu nỗi khó khăn, không thể định lượng được sự trồi sụt của các chỉ số PCI, nên ông Võ Văn Hùng chỉ dè dặt đặt chỉ tiêu lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành có năng lực điều hành kinh tế tốt nhất cho năm 2018 và những năm sau đó. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, bảng xếp hạng nhóm 10 có khi rơi vào nhóm khá là không cầu thị. Cải thiện môi trường kinh doanh Quảng Nam thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cấp, ngành, địa phương. Quảng Nam duy trì và nâng cao chất lượng điều hành. Năm 2018, phải tiếp tục đứng trong nhóm tỉnh có chỉ số tốt, phấn đấu điểm số, thứ hạng của các chỉ số thành phần PCI sẽ được cải thiện thêm, tăng dần theo từng năm. “Cải cách hành chính phải được đẩy mạnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, kết nối điện tử (từ tỉnh xuống xã), cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy, thay thế những người không đủ năng lực, trình độ hoặc lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng” - ông Tân nói.
TRỊNH DŨNG