(QNO) - Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Điện Bàn giai đoạn 2030 và giai đoạn 2045 đã đặt ra mục tiêu phát triển thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, tạo ra sự kết nối phát triển liên hoàn cùng với TP.Đà Nẵng và TP.Hội An.
Theo định hướng phát triển, thị xã Điện Bàn đảm bảo vai trò là trung tâm phát triển vùng Bắc Quảng Nam; kết nối hỗ trợ phát triển vùng trung tâm thị xã và khu vực ven đô thị, khu vực nông thôn ngoại thị, xứng đáng là đô thị vệ tinh, liên kết phát triển bền vững hỗ trợ cho sự phát triển TP.Đà Nẵng trong cụm đô thị động lực thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Là đô thị trung tâm phía Bắc của tỉnh, thị xã Điện Bàn hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Trước đây, thị xã Điện Bàn được quy hoạch là đô thị vệ tinh nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Điện Bàn phát triển theo hướng trở thành đô thị kết nối với hai TP.Đà Nẵng, Hội An và các thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực.Đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 điều chỉnh quy hoạch theo hướng chú trọng việc kết nối với chuỗi đô thị trong vùng, kết nối đông - tây, thiết lập hành lang xanh từ các dòng sông, từ đó nâng cấp Điện Bàn từ một đô thị vệ tinh trở thành đô thị liên kết. Đô thị Điện Bàn sẽ được tính toán ranh giới phát triển phù hợp, tạo đột phá cho sông Vĩnh Điện, quy hoạch các công viên chuyên đề, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, địa phương sẽ gấp rút đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dự án dân cư thương mại. Đây cũng là thời kỳ bắt buộc Điện Bàn phải tăng tốc để hoàn thành các tiêu chí đáp ứng tiêu chí đô thị loại 3 như kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Sau khi trở thành đô thị loại 3, Điện Bàn sẽ hoàn thành các điều kiện cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh” – ông Hà nhấn mạnh.
Theo chính quyền tỉnh, với định hướng và quy hoạch cụ thể, đô thị Điện Bàn trong vài năm tới sẽ là động lực cho kinh tế Quảng Nam ở phía Bắc, cùng với vùng Đông và Khu kinh tế mở Chu Lai tạo thành các cực phát triển lớn của Quảng Nam.
Giai đoạn 2020 - 2025, thị xã Điện Bàn ưu tiên nguồn lực nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, theo hướng nâng cấp đô thị cho 10 xã lên phường. Cùng với đó, tập trung huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển và kết nối giao thông đô thị là ưu tiên hàng đầu để phát triển hạ tầng đô thị và kết cấu phát triển của địa phương.
Đánh thức Cổ Cò
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, vùng kinh tế phía Đông Điện Bàn và phía Tây Điện Bàn được phân chia cụ thể: Phía Đông phát triển kinh tế - du lịch - dịch vụ - sinh thái biển với trọng tâm là các đô thị sầm uất dọc 2 bên bờ sông Cổ Cò, tạo ra giá trị giá trị kinh tế cao. Ở phía Tây Điện Bàn sẽ phát triển khu công nghiệp nhẹ và các khu đô thị sinh thái kinh tế tài chính dịch vụ.
Hiện nay, chính quyền tỉnh đang tiến hành dự án nạo vét sông Cổ Cò và đầu tư xây dựng hàng loạt cây cầu bắc qua sông, giúp kết nối giao thông đường bộ lẫn đường thủy từ Đà Nẵng đến thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông từ các khu dân cư, khu đô thị phía Tây sông Cổ Cò ra Biển Đông.
Thời gian qua, giữa Quảng Nam và Đà Nẵng đã nỗ lực nạo vét sông Cổ Cò với chiều dài 28km (Đà Nẵng 9km và Quảng Nam 19km). Phía Đà Nẵng, kể từ khi đoạn sông này khơi thông đã xuất hiện làn sóng đầu tư ồ ạt với các dự án lớn như Đà Nẵng Golf Club hay siêu dự án Cocobay…; còn phía Quảng Nam cũng đang chạy đua nạo vét, gấp rút giải phóng mặt bằng. Song hành với đó, chính quyền tỉnh đã quy hoạch, thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò một cách bài bản, khoa học.
Ngày 2.12.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kết luận của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung hoàn thành dự án nạo vét sông Cổ Cò để kết nối đường sông với Đà Nẵng, định hướng phát triển các khu đô thị dọc sông Cổ Cò đạt các tiêu chí theo quy hoạch. Tổ chức không gian khu vực ven biển và ven sông Cổ Cò với một số trung tâm thương mại dịch vụ có quy mô lớn, các khu vực thương mại dịch vụ ven sông. Hình thành tuyến đường hành lang biển kết nối từ bãi tắm Viêm Đông đến bãi tắm Thống Nhất để tạo vệt thương mại dịch vụ công cộng có quy mô lớn.