(QNO) - Tại thị trấn Prao (huyện Đông Giang), nhiều hội viên nông dân vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đông Giang để đầu tư sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Hộ bà Bhnướch Thị Crứt trú thôn Prao là ví dụ điển hình.
Dám nghĩ, dám làm
Nhận thấy tại địa bàn thôn Prao nơi mình đang sinh sống thiếu đất sản xuất, vợ chồng bà Bhnướch Thị Crứt quyết định ngược xuống thôn Panai (xã Tà Lu, Đông Giang) để mua và thuê đất. Song với nguồn vốn ít ỏi sẵn có, gia đình không có đủ nguồn lực đầu tư, thông qua kênh vay vốn của Hội Nông dân thị trấn Prao, hộ bà Crứt quyết định làm các thủ tục vay tiền từ tín dụng chính sách. Ban đầu, gia đình mua bò về nuôi để từ đó tích lũy, nhân dần có khi số lượng bò lên tới hàng chục con. Vốn vay trả xong, bà vay lại số tiền lớn hơn và quyết định mở rộng sản xuất, chăn nuôi.
[VIDEO] - Hộ bà Bhnướch Thị Crứt vay vốn mở rộng diện tích trồng keo và các loại cây phù hợp dưới tán rừng:
Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang - ông Đào Anh Vũ cho hay, gần nhất, hộ Bhnướch Thị Crứt vay tổng cộng 150 triệu đồng. Trong đó, vay theo chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn vào năm 2020 là 50 triệu đồng; năm 2021 vay theo chương trình hỗ trợ, tạo việc làm 100 triệu đồng. Bà Crứt chia sẻ, nguồn vốn này cùng tiền tích lũy được gia đình đầu tư mở rộng diện tích trồng keo, canh tác cây dong dưới tán rừng, trồng xen chuối tiêu; đồng thời thả cá nuôi trong ao rộng khoảng gần 500m2.
Không chỉ thoát nghèo cho riêng mình, hộ bà Crứt còn tạo việc làm bằng cách thuê 5-7 nhân công thời vụ để phát rẫy trồng keo và làm cỏ, trả mức lương bình quân 200-220 nghìn đồng/người/ngày.
Các loại cá như trắm cỏ, chép của gia đình bà được cơ sở cung cấp dịch vụ ẩm thực đến tận nơi mua sỉ. Lá dong cũng được nhiều tư thương đặt mua để về gói bánh chưng, bánh tét, bánh ú… Sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi năm của gia đình hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, hộ này bán 8 con bò để thêm vào xây dựng căn nhà mới với chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Nhiều điển hình tiêu biểu
Theo ông Đặng Văn Dũng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang, thời gian qua, các xã, thị trấn luôn tạo thuận lợi về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc để đơn vị thực hiện điểm giao dịch xã. Đơn cử, bố trí nơi đặt các bảng, biển hiệu ở vị trí dễ nhìn; ưu tiên hội trường lớn với bàn ghế đầy đủ để người dân ngồi; chăm lo an ninh, bảo đảm an toàn tiền và tài sản tại điểm giao dịch. UBND các xã, thị trấn xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng CSXH trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác cũng như nghị quyết của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đưa ra, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động cũng như trình độ quản lý vốn vay của tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư có hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương; làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác biết dùng vốn vay đầu tư sản xuất kinh doanh.
[VIDEO] - Không dựa hoàn toàn vào cây keo, nông dân vùng cao Đông Giang chú trọng trồng cây xen canh dưới tán rừng trồng:
Tại thị trấn Prao, có 296 hội viên nông dân vay hơn 14,6 tỷ đồng để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Prao - ông A Lăng Ứ kể, hội nhận ủy thác cho vay 9 chương trình thông qua 7 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội viên nông dân đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cùng với tính chịu thương, chịu khó cần cù lao động, ham học hỏi và áp dụng mô hình vốn khẳng định được tính hiệu quả nên mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Hộ Bhnướch Thị Crứt là điển hình tiêu biểu, được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, nhiều hội viên nông dân khác cũng là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi như A Rất Bay (thôn A Dinh), A Rất Thị Ươn (thôn Prao), Bnướch Ngan (thôn A Duông).