Điệp khúc "không xài hết vốn đầu tư"

TÂM CA 18/12/2023 08:00

Không giải ngân hết vốn đầu tư công đã trở thành điệp khúc nhiều năm không gỡ nổi. Làm gì để đưa hết phần vốn nhà nước cấp đổ vào nền kinh tế, góp phần tạo động lực tăng trưởng từ những dự án hiệu quả luôn được quan tâm luận bàn, nhưng chưa tìm thấy lối ra.

Công trình cầu Tam Giang (Núi Thành) ngổn ngang, không biết khi nào mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: T.D
Công trình cầu Tam Giang (Núi Thành) ngổn ngang, không biết khi nào mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: T.D

Giải ngân ì ạch

Những ách tắc từ việc thiếu mặt bằng, thủ tục hồ sơ, điều kiện thi công gặp khó hay nạn khan hiếm vật liệu, biến động đơn giá... đã khiến nhiều dự án dang dở.

Chính quyền Quảng Nam đã điều chuyển 464,3 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn quá thấp so với yêu cầu (dự kiến đến hết quý IV/2023 giải ngân trên 90%, hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023).

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố, đến hết ngày 30/11, vốn đầu tư công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) đã giải ngân đạt 55,2% (5.529 tỷ đồng); trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt 53,9% (4.613 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đạt 62,1% (hơn 916,4 tỷ đồng).

Các chương trình, dự án có số vốn lớn như Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân chỉ đạt 48,1% (hơn 430,8 tỷ đồng); Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 30,8% (hơn 165,2 tỷ đồng).

Một thống kê khác cho thấy, có đến 15 sở, ban, ngành và 11/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.

Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, thời tiết miền núi không thuận lợi, ít thời gian thi công. Giá vật liệu từ mỏ đến chân công trình tăng đột biến. Doanh nghiệp nói thực hiện dự án sẽ lỗ. Nhiều nhà thầu xin rút hoặc dừng thi công. Tỷ lệ giải ngân của địa phương mới chỉ đạt 48%.

Phú Ninh cũng nằm trong số địa phương giải ngân thấp, mới chỉ đạt 45,2%. Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm nói, một trong những vướng mắc là hồ sơ thủ tục rườm rà. Chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần không giải quyết nổi thì đầu tư công sẽ không bao giờ hết vướng.

Không chỉ các sở, ngành hay địa phương thường được cho là thiếu chuyên nghiệp trong việc thực hiện các dự án đầu tư chịu cảnh giải ngân thấp, ngay các ban quản lý chuyên ngành, có đủ trình độ, năng lực chuyên môn và nhân lực vẫn không thể giải ngân đúng tiến độ kế hoạch vốn.

Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Quảng Nam chỉ giải ngân khoảng 57,4%, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT tỉnh giải ngân 56,1% và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh giải ngân còn thấp hơn, mới chỉ đạt 30,2%.

“Căn bệnh” khó chữa

Niên độ giải ngân sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2024. Tổng nguồn vốn còn lại chưa giải ngân quá lớn (khoảng 4.200 tỷ đồng).

 

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, để có thể đạt mức giải ngân cao nhất, người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra hiện trường trong quá trình triển khai dự án.

Khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu, tư vấn, thi công cần tăng ca để tăng tỷ lệ giải ngân. Các chủ đầu tư nên ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023, nhất là các nguồn vốn trung ương.

Chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần xem xét, trực tiếp giải quyết các khó khăn, vướng mắc số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Kịp thời thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, giải ngân vốn ngay khi có khối lượng.

Một trong những động thái phải được tính đến là kịp thời xử lý các nhà thầu vi phạm về tiến độ thực hiện hợp đồng vì chủ quan hoặc thi công cầm chừng nhằm chờ đơn giá các nguyên vật liệu điều chỉnh giảm...

Giải ngân đầu tư công được xác định là một trong những trọng tâm, tuy nhiên, trước một số vốn quá lớn lại phải đối diện với nhiều khó khăn từ thực tế, thì sẽ rất khó để có thể giải ngân đến 95% hay 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2023.

Nhiều dự án như đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1, quốc lộ 14H, cầu Tam Giang (Núi Thành)..., sau quá nhiều năm vẫn chưa thể xác định thời gian hoàn thành. Cầu Thanh Nam (Hội An), nhà thầu và nhân công đã rời đi, chưa biết bao giờ gỡ xong vướng mắc mặt bằng để tái thi công...

 

Kế hoạch đầu tư công được quyết định sẽ chỉ giải ngân trong 1 năm (buộc bố trí sát vốn với khả năng thực hiện dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn) tưởng như một làn gió mới sẽ chấm dứt nạn dang dở các dự án đầu tư. Nhưng thực tế không phải vậy. Thống kê của Sở KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân ngày càng “thụt lùi”. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt 86,9%, năm 2022 đạt 79,7% và năm nay, dự kiến chỉ đạt 71,2%.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói không thể đổ thừa cho giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên liệu hoặc giá cao vì nhiều dự án không vướng mặt bằng vẫn giải ngân thấp và nhiều công trình vẫn thi công đúng tiến độ.

Tình trạng “không tiêu hết vốn đầu tư” như một con bệnh đã lờn thuốc, năm nào cũng xảy ra. Không thể không đặt ra câu hỏi: tại cơ chế, chính sách hay chính năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu có vấn đề?

Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói, không thể đổ thừa cho cơ chế, chính sách mà các chủ đầu tư, nhà thầu phải tự soi để thấy năng lực của mình đến đâu.

Tình trạng chậm giải ngân, nếu không quy được trách nhiệm cá nhân, không tạo sức ép giải trình... thì sẽ khó giải quyết được gốc rễ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điệp khúc "không xài hết vốn đầu tư"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO