Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Kỳ vọng nâng chất lượng khám chữa bệnh

LÊ QUÂN 29/11/2023 09:30

Từ ngày 17/11, mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng khoảng 10% theo Thông tư 22 của Bộ Y tế. Ghi nhận từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sau hơn 10 ngày áp dụng, mức tăng chưa ảnh hưởng nhiều đến người dân.

Người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Q.L
Người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Q.L

Điều chỉnh theo mức lương

Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tại Thông tư 22 của Bộ Y tế được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, giá dịch vụ KCB BHYT gồm giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Thông tư 22 quy định, trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của một lần khám bệnh, mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.

Ngoài ra, đối với các bàn khám thực hiện khám trên 65 lượt/ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.

Ngay sau khi mức lương cơ sở tối thiểu được điều chỉnh, khung giá KCB cũng đồng thời tăng, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%.

Có khoảng 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này, trong đó có dịch vụ tăng giá nhiều như phí KCB, giá giường nằm, một số dịch vụ tăng giá ít như chụp X-quang...

Cùng với đó, giá khám bệnh BHYT tại các bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II 37.500 đồng; bệnh viện hạng III 33.200 đồng; bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã 30.100 đồng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đối với các nhóm có thẻ BHYT là người nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh giá lần này. Với các nhóm phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoản tăng thêm không nhiều.

Các chuyên gia từ Bộ Y tế cũng cho rằng, giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế. So với mức cũ, giá khám bệnh mới cao hơn khoảng 10%. Đại diện các bệnh viện cho rằng, mức giá này sẽ tăng thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ.

Tăng chất lượng

Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 15/8, đối với các dịch vụ KCB theo yêu cầu, Bộ Y tế đã áp dụng khung giá và phương pháp định giá dịch vụ mới theo Thông tư 13 của bộ này. Đây là lần đầu tiên ngành y tế có khung giá chung cho dịch vụ KCB dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Nam vẫn chưa có cơ sở y tế công lập nào được cho phép hình thành dịch vụ KCB theo yêu cầu.

Người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Q.L
Người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Q.L

Quảng Nam hiện có 58 cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT năm 2023; trong đó có 30 cơ sở KCB công lập và 28 cơ sở KCB tư nhân. Toàn tỉnh có 1 bệnh viện tuyến trung ương, 10 cơ sở KCB tuyến tỉnh và 28 cơ sở tuyến huyện.

Có 2 cơ sở KCB hạng I, 3 cơ sở KCB hạng II và 30 cơ sở KCB hạng III cùng với 23 cơ sở KCB hạng IV và chưa xếp hạng. Riêng đối với quy định tăng giá KCB theo Thông tư 22 mới ban hành, sau hơn 10 ngày áp dụng, tại các cơ sở KCB công lập vẫn chưa ghi nhận sự phàn nàn từ phía người bệnh.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, hiện Thông tư 22 áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Theo ông Tải, về cơ bản khi tăng tiền giường khoảng 10% nên không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.

“Đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT thì vẫn tính theo giá cũ bởi Thông tư 21 về nguyên tắc và thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ KCB theo yêu cầu thì phải chờ HĐND phê duyệt giá” - ông Nguyễn Tải nói.

Tương tự, ông Trần Đỗ Nhân - Giám đốc Trung tâm Y tế Duy Xuyên cho biết, đơn vị này áp dụng mức giá theo quy định của Thông tư 22 đối với bệnh nhân đến KCB từ ngày 17/11. Các bệnh nhân đến khám và điều trị trước ngày này thì tính mức giá cũ. Ông Nhân cho biết, mức giá mới chưa có nhiều tác động đến người bệnh.

Với mức tăng khoảng 10% đối với các dịch vụ y tế hiện nay được cho là hợp lý khi giá KCB cũ tại các cơ sở công lập không được tính đúng, tính đủ dẫn đến nhiều cơ sở y tế bị hụt nguồn thu. Do vậy, lộ trình tăng giá KCB BHYT được đặt ra để bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn. Từ đây, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Kỳ vọng nâng chất lượng khám chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO