Người Quảng Nam

Đình làng Lộc Đại

MAI HỒNG LÂM 30/03/2025 09:26

Đình làng Lộc Đại (thôn Lộc Thượng, xã Quế Hiệp, Quế Sơn), gắn với quá trình khai đất lập làng từ cuối thế kỷ thứ 16. Ngoài việc là nơi thờ tự, tri ân công đức tiền nhân, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong làng, đình còn gắn với những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến…

Đình làng Lộc Đại - nơi thờ tự tri ân Tiền hiền của làng
Đình làng Lộc Đại - nơi thờ tự tri ân Tiền hiền của làng.

Đình làng gắn khai đất, lập làng

Cùng quá trình Nam tiến mở rộng bờ cõi về phương Nam, khoảng cuối thế kỷ 16, vị thủy tổ tộc Nguyễn Hữu là người đầu tiên đến khẩn hoang, khai phá và lập nên làng xã ở vùng đất này.

Ông được dân làng suy tôn là tiền hiền của làng. Sau khi cuộc sống ở vùng đất mới ổn định, lập thành làng xóm, những người trong tộc Nguyễn đứng ra vận động các chư tộc cùng nhau góp công, góp của xây dựng một ngôi đình.

Người dân làng Lộc Đại không rõ vị tiền hiền họ Nguyễn của làng mất năm nào nhưng từ khi lập làng đến nay vẫn lưu truyền lại ngày giỗ tiền hiền là ngày 20/9 âm lịch hằng năm. Nhân dân làng Lộc Đại có câu “làng giỗ đổ giống” áp dụng cho việc xuống giống gieo trồng cho mùa màng tươi tốt.

Dưới thời phong kiến, đình làng Lộc Đại được các vua Thành Thái, Duy Tân, Minh Mạng ban sắc phong và được thờ tại đình. Tuy nhiên do chiến tranh và tác động của thời tiết, toàn bộ sắc phong bị thất lạc.

Đình làng Lộc Đại là thiết chế văn hóa làng xã gắn với quá trình khai canh, lập làng của các thế hệ người Việt ở Quế Hiệp, Quế Sơn nói chung và các chư tộc làng Lộc Đại nói riêng trong quá trình mở cõi về phương Nam và mở rộng về phía tây Quảng Nam.

Chứng nhân trong kháng chiến

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình làng Lộc Đại còn gắn với những sự kiện lịch sử của làng xã, quê hương. Đây là nơi ghi dấu ấn về lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Quế Hiệp.

Cổng tam quan và bình phong trước đình làng Lộc Đại.
Cổng tam quan và bình phong trước đình làng Lộc Đại.

Đầu năm 1936, nhóm thanh niên yêu nước ở thôn Lộc Đại và Nghi Sơn thường hay đến các tổng Thuận An, Trung Lộc, Xuân Phú để tìm hiểu đường lối, chủ trương của Đảng qua sách báo công khai, cũng có khi phổ biến tài liệu bí mật cho nhân dân tại đình làng Lộc Đại. Từ đây phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở địa phương phát triển nhanh và lan tỏa...

Tháng 12/1940, tại đình làng Lộc Đại, đồng chí Nguyễn Sắc Kim đã tổ chức kết nạp đảng cho các đồng chí Trần Tráng, Trần Viện, Trần Kiểu, Lê Hà, Trần Xuân, Lê Văn Phối và thành lập chi bộ lấy tên là Chi bộ Cao Bằng do đồng chí Trần Tráng làm Bí thư.

Sau khi được thành lập, Chi bộ Cao Bằng đã vận động, tổ chức được 16 tổ nông dân cứu quốc, 2 tổ lão thành cứu quốc, 3 tổ phụ nữ cứu quốc, 3 tổ thanh niên cứu quốc…

Đồng thời thành lập Đội tự vệ làng Lộc Đại gồm 20 người do đồng chí Lê An phụ trách, lấy đình làng Lộc Đại làm điểm tập trung, hội họp bí mật và rèn dao găm, mã tấu, tổ chức tập luyện các thế võ cơ bản chuẩn bị cho vũ trang khởi nghĩa…

Trong thời kỳ 1940 - 1941, cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ và tỉnh Quảng Nam có thời điểm đóng tại nhà mẹ Lê Thị Sưu ở thôn Lộc Đại, cách đình làng Lộc Đại khoảng 300m.

Khi bị giặc bố ráp, truy lùng, các chiến sĩ, cán bộ phải lẩn tránh, phân tán lên Hang Mũi Thuyền, rút lên Suối Tiên, Hóc Xôi hoặc chọn đình làng Lộc Đại làm nơi trú ẩn.

Cũng trong giai đoạn này, tại đình làng Lộc Đại, các đồng chí Võ Chí Công (xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Sắc Kim (Thường vụ Tỉnh ủy) cùng các đồng chí Xứ ủy như Trương An, Lê Chưởng, Trần Hoàn… trong một số chuyến công tác cũng đã nhiều lần ghé qua đây để tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội họp bí mật.

Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, Ban vận động khởi nghĩa của làng Lộc Đại được thành lập.

Rạng sáng ngày 17/8/1945, Ban vận động nhân dân nổi trống mõ liên hồi, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm… tập trung về đình làng Lộc Đại. Từ đây, nhân dân làng Lộc Đại hòa cùng khí thế đấu tranh sục sôi của lực lượng tự vệ, nhân dân toàn tổng Thuận An và các tổng trong huyện kéo về hội quân tại huyện đường Quế Sơn giành chính quyền.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, đi đôi với phong trào chống giặc đói, phong trào diệt giặc dốt cũng được phát động trong toàn xã. Lúc này, đình làng Lộc Đại được dùng làm nơi mở lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa cho nhân dân trong làng.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do địa thế hiểm trở, nơi linh thiêng ít người lui tới lại được che chở bởi cây cối rậm rạp, đình làng Lộc Đại được cơ sở cách mạng, bộ đội, du kích địa phương dùng làm nơi hội họp bí mật, nơi chứa lương thực để nuôi quân. Đến năm 1969, địch phát hiện đình làng Lộc Đại là cơ sở hoạt động bí mật và là nơi tập kết kho lương của cách mạng nên đã cho máy bay thả bom làm ngôi đình bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng...

Sau ngày quê hương giải phóng, bà con dân làng Lộc Đại chung tay, góp sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Ban đầu, đình được phục dựng với quy mô nhỏ để làm nơi thờ tự và tổ chức lễ giỗ tiền hiền hằng năm vào ngày 20/9 âm lịch.

Năm 2017, với mong muốn có nơi khang trang để thờ tự các tiền nhân, đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng, các chư tộc phái trong làng đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng ngôi đình kiên cố theo lối kiến trúc cổ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đình làng Lộc Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO