Tiếp cận sáng tạo với vấn đề ô nhiễm nhựa là hoạt động đang được ReThink Plastic Vietnam tổ chức, nhằm khơi gợi nhận thức cộng đồng về khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay.
Ô nhiễm nhựa cũng là vấn đề các đô thị đang đối diện. Chương trình “Đô thị giảm nhựa” là sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) thu hút nhiều địa phương của Việt Nam tham gia.
Báo động về rác thải nhựa
Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số dẫn tới lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Hiện nay, người dân cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.
Trong khi đó, Hiệp hội Nhựa Việt Nam công bố, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% được xử lý, tái chế. Tại các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, trong số này chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng.
Gia tăng các mặt hàng giá rẻ từ kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) cũng là nguyên nhân kéo theo lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng lớn. Hiệp Hội TMĐT Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2023, có 1,84 tỷ gói hàng được giao cho khách mua hàng online, tương đương 306 nghìn tấn bao bì nhựa đã được gói gửi đi. Trong số này, chủ yếu là các mặt hàng thời trang, ăn uống, phụ kiện với hộp đựng thường là túi nilon hoặc nhựa dùng một lần. Dự kiến, tới năm 2030, TMĐT Việt Nam sẽ tăng hơn 4,7 lần hiện nay, đồng nghĩa lượng rác thải sẽ tăng từ 306 lên 800 nghìn tấn/năm.
ReThink Plastic Vietnam là tổ chức do cộng đồng lãnh đạo, dành riêng để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu, với trọng tâm đặc biệt vào những tác động tại Việt Nam. Theo nghiên cứu từ tổ chức này, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam trong những năm gần đây dựa trên mô hình tuyến tính: khai thác - sử dụng - thải bỏ đã gây áp lực lớn và không thể khắc phục được đối với các hệ sinh thái tự nhiên và ô nhiễm môi trường.
Tại Quảng Nam, hiện vẫn chưa có con số thống kê về số rác thải nhựa thải ra môi trường. Ngành chức năng cũng khó kiểm soát đầu vào của rác thải nhựa do thiếu những quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với việc sản xuất, sử dụng. Người tiêu dùng lẫn kinh doanh ở các thị trấn, thành phố vẫn vô tư sử dụng túi, ly nhựa dùng một lần.
Hội An là địa phương được đánh giá có nhiều sáng kiến trong việc kêu gọi cộng đồng tham gia mô hình “đô thị giảm nhựa” ở nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các cơ sở lưu trú tại Hội An đồng loạt thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, cam kết giảm các sản phẩm nhựa dùng một lần cho du khách...
Tiếp cận đa diện với ô nhiễm
Năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi được thông qua, trong đó phát triển kinh tế tuần hoàn theo định hướng mới. Cụ thể, đó là “mô hình kinh tế với các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Dự kiến từ 31/12/2024, Quảng Nam sẽ triển khai một số quy định mới trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bao gồm giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn). Việc thu phí sử dụng chất thải rắn sinh hoạt và đánh thuế cao đối với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại được kỳ vọng sẽ bước đầu tạo nhận thức về ô nhiễm nhựa.
Hưởng ứng Ngày Đô thị Việt Nam (8/11) năm nay, ReThink Plastic Vietnam tổ chức triển lãm, trưng bày các giải pháp đột phá từ những tư duy trẻ, khơi dậy làn sóng ý tưởng đổi mới từ giới trẻ Việt Nam, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đang ngày càng trầm trọng. Sự kiện triển lãm IDEA kỳ vọng sẽ tạo nên cam kết với các hoạt động tác động thiết thực mang tính bền vững môi trường.
Triển lãm thu hút 38 đội tuyển từ độ tuổi 8-25 trên cả nước, đề xuất mọi thứ từ các hoạt động cộng đồng địa phương đến các sáng kiến công nghệ cao giảm tiêu thụ và lãng phí nhựa.
Theo ReThink Plastic Vietnam, các dự án rất đa dạng và sáng tạo, bao gồm việc sử dụng vật liệu tự nhiên như tre và vỏ dừa làm các sản phẩm thay thế nhựa sinh học; đổi mới công nghệ để cải thiện quá trình tái chế, bao gồm giải pháp AI và học máy; các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm nhựa và tầm quan trọng của việc tái chế.
Các dự án cũng chia sẻ tầm nhìn về việc huy động cộng đồng địa phương giảm sử dụng nhựa thông qua các hoạt động thực tế như dọn dẹp cộng đồng và chương trình tái chế địa phương. Đây là những chiến lược đơn giản nhưng có thể giảm đáng kể việc sử dụng nhựa trong cộng đồng.