Giao thông - Xây dựng

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị tháo gỡ khó khăn công tác giải phóng mặt bằng

Hà Quang 20/02/2024 08:04

(QNO) - Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, cho biết hiện nay nhóm doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, cần kịp thời tháo gỡ.

Cụ thể, các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức phối hợp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Các trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hòa giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn. Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế.

Nhiều cá nhân, hộ gia đình không đồng ý ký hồ sơ đề nghị công nhận đất ở; nhiều cá nhân, hộ gia đình không đồng ý phối hợp kiểm kê; không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án dự kiến) được công khai; không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, dẫn đến không thể trình thẩm định phương án theo quy định...

Đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận. Hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án.

Một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng của 2 dự án (1 dự án do công ty đang thực hiện và 1 dự án đầu tư công chưa thực hiện) yêu cầu 2 dự án triển khai cùng lúc để người dân ổn định đời sống và bố trí lại đất tái định cư. Công tác quản lý hiện trạng chưa được đảm bảo. Tuy chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nhưng người dân vẫn thực hiện.

Ngày 28/4/2023, UBND tỉnh có Công văn số 2634 chỉ đạo giao đất, cho thuê đất một lần đối với toàn bộ dự án hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án được cấp thẩm quyên phê duyệt. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư. Do đó, hiện nay các dự án phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất. Thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý bàn giao đất. Do đó, quy định này không phù hợp thực tế.

Vì vậy nhóm doanh nghiệp bất động sản đề nghị triển khai thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất một cách quyết liệt đối với các trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Đề nghị UBND tỉnh có hướng tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp không đồng ý ký hồ sơ công nhận đất ở (đất sử dụng trước năm 1980, nhưng vướng mắc hồ sơ 299), không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, các trường hợp tranh chấp đất đai kéo dài.

Đề xuất tăng đơn giá bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu để nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng tại các dự án.

UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng TN-MT, trung tâm phát triển quỹ đất và UBND xã phường trong công tác giải phóng mặi bằng. Những dự án gia hạn tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (lỗi do địa phương) thì không cần lấy ý kiến của các sở ngành mà địa phương xác nhận và trình Sở KH-ĐT trình lên tỉnh, việc lấy ý kiến sở ngành mất vài tháng hoặc có khi gần hết tiến độ gia hạn...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị tháo gỡ khó khăn công tác giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO