Kinh tế

Doanh nghiệp Quảng Nam, đi lên từ nguồn tài nguyên bản địa

VĨNH LỘC 26/01/2025 14:30

(QNO) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Quảng Nam không chỉ tạo công ăn việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là hàng nông sản địa phương.

lua.jpg
Sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình sản xuất đã giúp nâng cao chuỗi giá trị cho cây lúa. Ảnh: V.L

Nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Năm 2017, Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn thành lập, hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực từ chăm sóc cây giống, chăn nuôi đến xay xát sản xuất bột thô…, đặc biệt liên kết với nông dân trồng lúa. Với phương thức cung cấp giống, phân kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, mô hình liên kết này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm công ty liên kết với hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh trồng khoảng 100ha lúa giống các loại.

Ông Nguyễn Văn Kiệt – Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn nhìn nhận, với mô hình liên kết trên, người dân được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt năng suất lúa cũng tăng hơn 10 - 15% so với phương thức canh tác thông thường.

“Lợi ích đầu tiên là giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân bởi hầu như mọi khâu đều có máy móc cơ giới làm, kể cả khi thu hoạch DN cũng mua lúa tươi ngay tại ruộng chở về phơi sấy. Thứ hai, giải quyết việc làm cho công nhân lao động lúc nông nhàn trong vấn đề phơi sấy, xay xát thành gạo hoặc cung cấp giống cho đối tác” – ông Kiệt nói và cho biết thời điểm vào vụ mùa số lượng lao động trong công ty có thể trên 50 người bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi, tổng số tiền công ty trả cho người lao động làm việc tại đơn vị mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

c1.jpg
Nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ Quảng Nam ra đời, phát triển dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu và sản phẩm tại chỗ. Ảnh: V.L

Từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu sau giải phóng, sự ra đời của các DN Quảng Nam, nhất là sau thời kỳ Đổi mới đã tạo nên cú huých mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất tiêu thụ hàng hóa, kích thích thương mại, dịch vụ phát triển, chuyển dịch kinh tế địa phương.

Riêng khoảng 10 năm trở lại đây, thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như khuyến công, khởi nghiệp, OCOP… nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ Quảng Nam ra đời, phát triển dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu và sản phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa địa phương, tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách nhà nước.

Tại Công ty TNHH Bánh dừa Quý Thu (Quế Sơn) với nguồn nguyên liệu thu mua tại địa phương, sản phẩm bánh dừa nướng của DN đã từng bước khẳng định thương hiệu và xâm nhập vào thị trường trong nước, quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, kể cả châu Âu (Hà Lan).

Bà Lưu Thị Thu – Giám đốc Công ty TNHH Bánh dừa Quý Thu chia sẻ, thông qua các chương trình hỗ trợ, đặc biệt các hoạt động xúc tiến thương mại đã mang đến cơ hội cho DN kết nối đối tác, đưa hàng ra thị trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản địa phương.

l3.jpg
Sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: V.L

“Lâu nay các sản phẩm dừa trái của bà con chủ yếu bán thô với giá thành thấp và sản lượng hạn chế. Vì vậy, việc chuyển hướng chế biến theo sản phẩm tinh chế đã mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân, thúc đẩy người dân canh tác, mở rộng diện tích, tăng thu nhập” – bà Thu thông tin.

Liên kết sản xuất

Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Quảng Nam ước đạt trên 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, toàn tỉnh có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Đa phần chủ thể là các HTX, DN nhỏ và siêu nhỏ, những yếu tố đóng vai trò then chốt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

[VIDEO] - Doanh nghiệp Quảng Nam đưa nông sản ra thị trường:

Đáng chú ý, sự phát triển của các DN Quảng Nam không chỉ đóng góp ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động mà còn thể hiện ở trách nhiệm xã hội, chia sẻ lợi ích cộng đồng thông qua sự liên kết, hợp tác hai bên cùng có lợi.


Tại Hợp tác xã (HTX) phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (Đại Lộc), dù thành lập chưa lâu nhưng sự liên kết của đơn vị với nông dân ngày càng chặt chẽ. Năm 2024, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 10 chủ vườn trồng bưởi tại xã Ninh Phước (Nông Sơn) mỗi năm nhập hàng chục tấn nguyên liệu về chế biến sản phẩm. Qua đó, không chỉ giúp HTX có nguồn nguyên liệu thường xuyên phục vụ sản xuất mà còn đảm bảo đầu ra ổn định cho những vườn trái cây nơi đây.

HTX chuyên sản xuất các sản phẩm từ chanh bưởi như nước cốt chanh, nước cốt tắc, mứt bưởi… nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu liên quan rất cấp thiết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Giám đốc HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân cho hay, thời gian đầu HTX chủ yếu thu mua chanh, bưởi từ các hộ dân ở Đại Lộc, sau khi sản phẩm phát triển mạnh, nhu cầu nguyên liệu nhiều hơn thì việc mở rộng liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh được đơn vị tính đến. HTX đã hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc chanh, bưởi, quật… theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc tăng trưởng. Bù lại, HTX cam kết thu mua giá đầu ra ổn định, số lượng nhiều nên người dân rất phấn khởi.

Hoạt động liên kết với doanh nghiệp làm đầu tàu đã giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả - Ảnh:
Doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết sản xuất với nông dân đã giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Ảnh: V.L

Khảo sát cho thấy, phần lớn DN sản xuất nông sản, OCOP Quảng Nam đều có ký kết hợp tác liên kết nguồn nguyên liệu với người dân, góp phần thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất, canh tác, nâng cao chuỗi giá trị cung ứng ổn định, hiệu quả dựa trên nguyên tắc Win – Win cả hai đều thắng, đều hưởng lợi.

" Thời gian qua, Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho DN kinh doanh, mở rộng thị trường. Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, DN Quảng Nam có cơ hội tham gia các diễn đàn kết
nối giao thương với nhiều nhà phân phối, đối tác trong và ngoài nước, giúp đưa thương hiệu, sản phẩm DN Quảng Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất là các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề…” (Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương).

Năm 2024, Quảng Nam có 1.008 DN đăng ký thành lập mới, giảm 4,4% (46 DN) so với năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 5.810,8 tỷ đồng, tăng 4,3% (236,9 tỷ đồng); 458 DN quay trở lại hoạt động (tăng 15,1%); 1.466 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, giảm 1% (14 DN). Trong khi đó, có 1.472 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể (tăng 10,9%). (H. PHÚC)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp Quảng Nam, đi lên từ nguồn tài nguyên bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO