Dốc sức điều trị bệnh nhân Covid-19

XUÂN HIỀN 23/08/2021 05:08

Bệnh viện dã chiến số 1 của Quảng Nam bắt đầu vận hành. Cùng với đó, Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Tam Kỳ) đã đi vào hoạt động. Trước tình hình các ca mắc Covid-19 trên địa bàn đang tăng cao, cùng với phương châm 4 tại chỗ, việc nâng cao năng lực điều trị được đặt lên hàng đầu.

Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã đi vào hoạt động. Ảnh: X.H
Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã đi vào hoạt động. Ảnh: X.H

Kích hoạt bệnh viện dã chiến

Với quy mô 400 giường, ngày 21.8, Bệnh viện (BV) dã chiến số 1 trưng dụng cơ sở của BV Y học Cổ truyền tỉnh (TP.Tam Kỳ) đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên.

Ông Ngô Ngọc Toàn - Giám đốc BV Y học cổ truyền tỉnh cho biết, đơn vị có quyết định thiết lập BV dã chiến vào ngày 20.8.

“Từ trước đó, khi có kế hoạch thiết lập 9 BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 của Sở Y tế, đơn vị đã tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã phân thành các khu vực khác nhau, trong đó tổ chức các ê kíp điều trị luân phiên thay nhau chăm sóc bệnh nhân Covid-19” - ông Ngô Ngọc Toàn nói. 

Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phân tầng quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.

Theo đó, tầng 1 chuyên thu dung điều trị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng, tầng 2 là các BV được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có triệu chứng và tầng 3 là các BV chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam đã tính đến cấp độ cao nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19, tương ứng với từng cấp độ sẽ có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

BV dã chiến số 1 có chức năng thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19. Các công việc hằng ngày như tổ chức khám, điều trị cho những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với người nhiễm, phát hiện kịp thời các trường hợp có triệu chứng để cách ly và điều trị riêng.

BV sẽ chuyển những trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng cần can thiệp đến BV Phạm Ngọc Thạch hoặc các cơ sở khác theo chỉ định từ Tiểu ban Điều trị Covid-19 cấp tỉnh để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Lực lượng cán bộ y tế tham gia trực tiếp công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19 dự kiến gần 60 người; hiện BV này đã chia thành nhiều kíp trực khác nhau.

Bác sĩ Huỳnh Lục Ánh - Khoa Khám bệnh của BV cho biết, mọi công việc hoàn toàn mới mẻ với chị, tuy nhiên ê kíp của BV đã được sự chia sẻ từ đội ngũ y bác sĩ có nhiều kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam và BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam nên rất tự tin với nhiệm vụ hiện nay.

So với các cơ sở y tế, BV điều trị khác trên địa bàn, khâu kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV Y học cổ truyền gặp khó khăn hơn.

“Trong buổi tập huấn trước lúc nhận bệnh của BV dã chiến số 1, chúng tôi đã hướng dẫn cách bảo hộ và trang bị khi chăm sóc bệnh nhân cho các bác sĩ, điều dưỡng của BV.

Ngoài ra, việc giữ làm sao để bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc thể nhẹ không biến chứng lên thể trung bình hoặc thể nặng là rất quan trọng. Điều này phụ thuộc vào công tác chăm sóc, điều trị của nhân lực tại nơi điều trị tiếp nhận ban đầu” - ông Nguyễn Tải, Giám đốc BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Tải, việc quan trọng nhất hiện nay phải làm sao để đảm bảo khâu kiểm soát nhiễm khuẩn của BV và tránh tuyệt đối việc lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị.

Điều động nhân lực hỗ trợ

Cùng với việc vận hành BV dã chiến đầu tiên, Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19  vừa được thành lập tại BV Phạm Ngọc Thạch. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, hiện trung tâm có 22 giường bệnh cùng thiết bị máy móc hiện đại để có thể phục vụ việc điều trị các ca bệnh biến chứng tại BV.

BV Phạm Ngọc Thạch hiện đã thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu nhằm điều trị những ca bệnh nặng biến chứng của Quảng Nam. Ảnh; X.H
BV Phạm Ngọc Thạch hiện đã thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu nhằm điều trị những ca bệnh nặng biến chứng của Quảng Nam. Ảnh; X.H

Gần một tháng thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, BV Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận 293 ca mắc, trong đó đã điều trị khỏi và cho ra viện 106 ca. Bác sĩ Trần Văn Pháp - Khoa Ngoại - Ung bướu BV Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Trước đây, BV chuyên về điều trị lao. Phác đồ điều trị được đúc kết qua nhiều thế hệ. Bệnh Covid-19 thì mới nên chúng tôi phải tìm hiểu kỹ và bám sát theo phác đồ của Bộ Y tế để điều trị”.

Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư 14 hệ thống thở ô xy dòng cao (HFNC) phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 để trang bị cho BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam và BV Phạm Ngọc Thạch. Đây chính là động thái để tăng cường việc thu dung bệnh nhân và nâng cao năng lực điều trị các ca biến chứng trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, cùng với đầu tư thiết bị y tế, nhân lực cho Trung tâm Hồi sức cũng được điều động từ các BV và cơ sở y tế trên địa bàn đến hỗ trợ.

Mới đây nhất, trước tình hình một bệnh nhân Covid-19 mang thai 33 tuần có dấu hiệu diễn biến nặng, một ê kíp điều trị gồm y bác sĩ chuyên khoa sản tại BV Đa khoa Quảng Nam, bác sĩ chuyên ngành nhi sơ sinh tại BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam, bác sĩ gây mê tại Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ và BV Minh Thiện được điều động đến BV Phạm Ngọc Thạch phối hợp xác định phương án điều trị tốt nhất cho sản phụ. Ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, sản phụ này được theo dõi đặc biệt tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu của BV.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dốc sức điều trị bệnh nhân Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO