Cuộc sống thường ngày

Đôi chân của mẹ...

MINH TRÍ 10/05/2024 12:42

(VHQN) - Đàn bà xứ biển, có lẽ in hằn dấu chân trên cát trong ngõ hẹp của cuộc sinh tồn... Thời gian qua đi, cát vẫn miệt mài tạo hình của sóng, nên có lẽ đôi chân của những người đàn bà xứ này như mẹ tôi, phải nhọc nhằn làm cuộc mưu sinh của mình...

z5365539097685_45e5b84d9f4be115b0bcef6afafb096a.jpg
Chạy chợ sớm mai. Ảnh: M.Trí

Bám trên cát

Một lần, trong lúc chở mẹ vào bệnh viện để điều trị chứng nhức mỏi xương khớp tuổi già, tôi nhận ra những đường gân xanh to nổi lên chạy dọc theo đôi chân của bà. Nó hình như không gây đau đớn, chỉ hơi thô ráp một chút, như những lối mòn trên chặng đường mà đôi chân đã qua.

Bà kể, thời còn con gái, đôi chân này đã biết “thích nghi” với cái nắng nóng của cát. Thời đó, cả vùng quê biển chỉ toàn cát là cát. Đường sá nhỏ hẹp, um tùm cây cối nhưng chủ yếu là cây bụi, nhiều nhất là xương rồng và lông chông.

Mùa nắng, hơi nóng từ cát bốc lên lao nhao thành từng vệt. Đường ra biển chỉ mát được một khúc dưới rặng dương liễu, còn lại là những đoạn dài trên nắng dưới nóng. Đôi chân phải đi như chạy với đôi quang gánh từ biển về nhà.

Nhiều người đã nghĩ ra cách gánh thêm một gàu nước, lội trên cát một đoạn. Đến khi bàn chân không chịu nổi cái nóng thì tưới lên cát một chút, đứng lại lấy sức cho đôi chân rồi đi tiếp...

Nếu hôm nào quên lấy nước vào quang gánh thì tìm một miếng ván, đứng lên đó để tránh nóng cho đôi chân. Hay lúc bí quá, khi đi được một đoạn thì có thể dùng bàn chân bươi xuống lớp đất ẩm mà trụ lên đó một chặp.

Cát nóng như vậy nhưng không thể đi dép vì thêm phần vướng víu và sẽ làm cát xới tung lên. Vì thế, đôi chân hối hả trên cát nóng của đàn bà xứ biển, nhiều người nói đã hình thành cả một dáng đi. Cũng như đàn ông xứ này, chất giọng ồn ã của họ, là “âm hưởng” của nghề sóng gió...

z5365545536970_c19063ccdec93c8526af5e655300ee0d.jpg
Đàn bà xứ biển. Ảnh: M.Trí

Bầu mắm

Cát đã từng gây cô lập nhiều vùng quê biển. Con cá con tôm hay những bầu mắm nặng trịch, khi chạy chợ trên đôi quang gánh của mẹ, phải từng bước hối hả trên cát rồi mới ra được với thế giới bên ngoài.

Bà kể, ngày trước cá tôm nhiều nhưng tiêu thụ tại chỗ rất ít. Người dân quê biển thường muối lại, rồi cần mẫn gánh từng đôi bầu mắm vượt sông đi đến những vùng xa xôi phía tây để đổi lúa.

Ở xứ nguồn, nền kinh tế lúc ấy cũng chủ yếu tự cung tự cấp. Lúa bắp người dân làm ra một phần để chực chờ những bát mắm xứ biển, hay tươi hơn là những con cá thính mặn chát. Đôi bầu mắm nặng trĩu trên vai từ biển gánh lên, rồi lại nặng trịch lúa khoai từ nguồn gánh xuống...

Đôi chân của mẹ đã từng quen với những vùng Kỳ Thạnh, Giao Thủy, Kiểm Lâm... những vùng cách xứ biển Tam Tiến hàng chục cây số - mỗi lần đi thuở ấy phải mất mấy ngày trời.

Hồi trước giải phóng, có bận bà đang bán mắm ở ngã ba Kiểm Lâm (thuộc xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên bây giờ) thì xảy ra một đợt giao tranh ác liệt, phải tá túc nhà người dân địa phương mười mấy ngày liền. Rồi có lần lên xứ Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành) gặp nạn dịch tả, bà nói, “sém chút nữa là làm ma xứ người”...

Thời bao cấp, đôi chân của mẹ đỡ nhọc nhằn hơn bởi đò ngang đò dọc phát triển. Rồi đến “cuộc cách mạng” bê tông giao thông nông thôn, đôi chân của đàn bà xứ biển mới dần thoát ly cái nóng rát bỏng của cát. Nhưng với mẹ tôi, bà phải nuôi nấng một bầy con trong thời xa xưa của mình, nên cơ cực bám sâu đến từng chân tóc...

Bà hay nói về đôi chân thường nhức mỏi với những đường gân xanh to nổi lên dọc dài của mình, như một sự mặc định về thiên chức của đàn bà xứ này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi chân của mẹ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO